Chưa rõ quan hệ
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho hay, đến nay, cả nước có 13 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 14/15 khu kinh tế ven biển, 10/28 khu kinh tế cửa khẩu đã phê duyệt quy hoạch chung.
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 70% (tăng 10% so với năm 2012); quy hoạch chi tiết đạt khoảng 30% (tăng 5%); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 83,5% (tăng 11,2%). Công tác quy hoạch ngày càng được các địa phương quan tâm, các đồ án quy hoạch thể hiện được tư duy đổi mới, có tầm nhìn dài hạn, chất lượng từng bước được cải thiện.
Trong năm 2013, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó, vấn đề cốt lõi là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.
Ông Dũng cho biết, các địa phương đã bắt đầu triển khai công tác lập và phê duyệt khu vực phát triển đô thị để làm cơ sở triển khai các bước đầu tư tiếp theo; tiến hành rà soát các dự án, phân loại, điều chỉnh việc thực hiện các dự án theo kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị; nghiên cứu thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư phát triển đô thị, từ khâu quy hoạch, chấp thuận đầu tư cho đến kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia, đề án về phát triển đô thị tiếp tục được triển khai theo kế hoạch, trong đó đã tập trung đẩy mạnh các chương trình nâng cấp đô thị, các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn...
Tuy nhiên, đối với thị trường bất động sản, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất cập hiện nay là chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch khác, như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành.
Không phát triển đô thị kiểu phong trào
Chia sẻ với đánh giá trên, ông Dũng nhìn nhận, quản lý phát triển đô thị là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, cần thiết phải có một luật riêng điều chỉnh về lĩnh vực này, để điều tiết và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, phong trào, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, làm lãng phí các nguồn lực xã hội, nhất là tài nguyên đất đai như thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc xây dựng luật về quản lý phát triển đô thị cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong nước và quốc tế, để đảm bảo có chất lượng và tính khả thi.
Thực tế, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, phát triển đô thị thời gian qua, trong khi đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng luật về quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 02/2006/NĐ-CP về quy chế khu đô thị mới).
Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện các hoạt động đầu tư phát triển đô thị (từ cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo, tái thiết, cho đến phát triển đô thị mới), với những quan điểm và tư tưởng đổi mới một cách căn bản, đó là: phát triển đô thị phải theo quy hoạch và phải có kế hoạch, được kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, để thực hiện các dự án phát triển đô thị, trước hết phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt, từ đó xác định các khu vực phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, trên cơ sở đó mới được triển khai các dự án cụ thể. Nghị định cũng quy định việc thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị, để giám sát quá trình đầu tư, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo sự kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong khu vực phát triển đô thị…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: