Một bãi tập kết vật liệu ven sông Hồng hoạt động nhộn nhịp - Ảnh: K.Linh
Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông (dự thảo) vừa qua vòng thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến sẽ trình Chính phủ ngay đầu tháng 9 với những quy định rõ về trách nhiệm từng cấp quản lý sẽ góp phần dẹp bỏ nạn cát tặc.
Cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác
Theo Dự thảo, việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đáp ứng yêu cầu về điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản của Luật Khoáng sản. Khu vực đề nghị cấp phép không thuộc khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi; trường hợp cấp phép khai thác thì phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
"Nghị định này giải quyết rất nhiều vấn đề giải pháp về cả quản lý, chế tài và kỹ thuật. Thực tế, nhu cầu cát sỏi làm vật liệu xây dựng vẫn đang rất lớn. Do đó, Dự thảo đưa ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thăm dò khoáng sản làm cát nhân tạo, đầu tư công nghệ để rửa mặn cát cửa sông, cửa biển. Lúc đó sẽ giảm tải được sức ép của hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông”. (Ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam).
Đặc biệt, trong trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thuộc khu vực giáp ranh địa giới hành chính từ 2 tỉnh, thành trở lên, phải căn cứ thông báo của Bộ TN&MT về kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên cát, sỏi thuộc lưu vực lòng sông; tỉnh nào có tỷ lệ trữ lượng, tài nguyên cát, sỏi lòng sông nằm trong diện tích dự kiến đấu giá quyền khai thác khoáng sản lớn nhất thì UBND tỉnh đó có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản sau khi kết thúc đấu giá.
Lý giải về quy định trên, ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Thực tế, câu hỏi làm thế nào đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường xây dựng, chống thất thu nguồn ngân sách Nhà nước do tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ra, đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Trước đó, đại diện địa phương cũng đề xuất nên chăng giảm bớt thủ tục hành chính trong cấp phép đối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện năng lực khai thác. Thay vào đó, sẽ tập trung ngăn chặn, xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không đủ điều kiện. “Để giải quyết bất cập trên, Dự thảo đã đưa ra quy định, trừ những hoạt động khai thác nhánh sông suối nhỏ, tất cả hình thức khai thác tại các lưu vực khác đều phải thông qua hình thức đấu giá quyền thăm dò khai thác. Bản chất quy định này nhằm tạo ra cơ chế minh bạch, loại bỏ hình thức cấp phép kiểu xin - cho, tạo điều kiện hoạt động cho những doanh nghiệp có năng lực, còn những doanh nghiệp ma, làm ăn mập mờ chắc chắn sẽ không được cấp phép”, ông Thanh phân tích.
Xóa bỏ bất cập trong quản lý cát sỏi
Theo ông Lại Hồng Thanh, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay, chính là việc quản lý khai thác cát sỏi theo địa giới hành chính, tỉnh nào lập quy hoạch tỉnh đó dựa trên nhu cầu của địa phương. “Cách quản lý này dẫn tới tình trạng cát cứ, tỉnh này cấp phép, tỉnh bên cạnh lại không cấp. Hệ quả việc phê duyệt cấp phép của địa phương này gây ảnh hưởng tới dòng chảy, môi trường, sạt lở bờ bãi của địa phương khác. Vì thế, Nghị định mới ra đời sẽ yêu cầu phải đánh giá tác động môi trường theo cả lưu vực sông. Theo đó, tổng sản lượng khai thác cát sỏi/năm của một tỉnh sẽ bị khống chế chứ không phải anh muốn cấp bao nhiêu thì cấp như hiện nay”, ông Thanh nhấn mạnh.
Các đối tượng, tang vật các loại hoạt động khai thác cát, sỏi trái pháp luật được xem xét xử lý tại địa phương nơi xảy ra vi phạm, trường hợp vượt thẩm quyền xem xét ở cấp cơ sở, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp trên trực tiếp xem xét xử lý theo thẩm quyền; chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng cấp ở mỗi tỉnh có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh giáp ranh trong công tác hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến công tác xử lý vi phạm, phối hợp trong việc thực hiện các nội dung quyết định xử lý vi phạm đã được ban hành. (Trích Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông)
Mặt khác, ông Thanh cho rằng, hiệu quả thấp trong quản lý ngăn chặn nạn cát tặc cũng tới từ sự chồng chéo, cắt khúc trong công tác quản lý cát sỏi. Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2013 - 2016, cả nước phát hiện 2.700 vụ cát tặc, tuy nhiên chỉ có một vụ đủ cơ sở xử lý hình sự. Trong khi biện pháp chế tài còn chưa đủ sức răn đe thì lợi nhuận mang lại từ khai thác cát sỏi lại quá khủng. Vì thế, cát tặc mới lộng hành và việc xử lý đối tượng này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. “Thực tế có mối quan hệ giữa trách nhiệm pháp lý với hiệu quả quản lý từ khâu quy hoạch, cấp phép, khai thác tới tàng trữ, vận chuyển và tiêu thụ cát sỏi. Đây là mối quan hệ hữu cơ nhưng lại đang bị chặt khúc bởi những luật khác nhau thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành khác nhau. Đó là chưa kể tại những khu vực giáp ranh, rất khó phân biệt quy trách nhiệm quản lý”, ông Thanh phân tích.
Theo vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ngay sau khi Dự thảo được thông qua, Bộ TN&MT cũng đề xuất sửa Nghị định về xử phạt hành chính trong khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Theo đó, bổ sung thêm hành vi cần xử phạt, tăng mức xử phạt về hành vi vi phạm. “Nói xóa bỏ thì không thể song chắc chắn với quy định rõ về trách nhiệm từng cấp quản lý, nạn cát tặc sẽ được hạn chế rất nhiều”, ông Thanh khẳng định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: