Tôi có cầm sổ đỏ mang tên tôi cho một người làm tín dụng đen. Khi cầm tôi và người đó đã ra văn phòng công chứng làm hợp đồng mua bán.
Tôi có viết giấy viết tay giao kèo giữa tôi và người đấy là tôi vay 500 triệu và hẹn đến 2 tháng sau tôi phải hoàn trả cho người đấy. Nhưng đúng ra tôi chỉ cầm vay có 400 triệu và nhận được 340 triệu. 60 triệu đã bị người đấy cắt lãi trước.
Trong giấy viết tay đấy, tôi cũng có viết "nếu tôi trả lại số tiền đã viết trong giấy đúng hoặc trước thời gian đã hẹn thì mọi giấy tờ hợp đồng mua bán của tôi và người đấy không có hiệu lực trước pháp luật", giấy viết tay có chữ kí của 2 bên nhưng không có người làm chứng.
Tôi muốn hỏi, nếu người đấy mà sang tên đổi chủ sổ đỏ của tôi luôn (trước thời gian đã hẹn trả tiền) thì tôi có bị mất miếng đất trên không? Nếu xảy ra kiện cáo thì sẽ như thế nào? Liệu tôi có bị mất miếng đất dù có khả năng trả tiền cho người đấy hay không? Tôi có bao nhiêu % đòi lại được miếng đất?
kh0ng_th3_qu3n_149@...
Luật sư Lê Thị Chiêu Oanh – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:
Căn cứ Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” thì mức lãi suất mà ông/bà phải trả đã vượt mức quy định, do đó, về mặt pháp lý, thỏa thuận vay giữa ông/bà và bên cho vay là vi phạm pháp luật và sẽ bị tuyên vô hiệu (Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Đối với hợp đồng mua bán của ông/bà và bên cho vay, do mục đích thực tế (giao dịch thực tế) là thế chấp tài sản để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của thỏa thuận vay nên sẽ bị vô hiệu do giả tạo (Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005). Khi đó, nếu phát sinh tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa thì tòa sẽ tuyên cả thỏa thuận vay và hợp đồng mua bán là vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật và bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: