Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bình đẳng cho người sử dụng đất
Liên Hợp Quốc đã cùng với 15 đối tác phát triển khác, bao gồm cả các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các Đại sứ quán, trình bày một loạt các khuyến nghị chính sách chung về “Sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 ở Việt Nam: Đối xử công bằng với các chủ sở hữu quyền sử dụng đất”.
Trong đó, có 3 lĩnh vực quan trọng nhất trong các khuyến nghị.
Thứ nhất, khuyến nghị về vấn đề thu hồi và bồi thường đất, chiếm 70% trong số 700.000 khiếu nại, tố cáo về vấn đề đất đai trong 3 năm qua. Các đối tác cho rằng thu hồi đất bắt buộc chỉ dành cho các mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công cộng, chứ không nên dành cho các dự án đầu tư kinh tế, như đã nêu trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam. Cơ chế tốt nhất để xác định giá thị trường chính là thị trường.
Khuyến nghị thứ hai là phải tăng tính minh bạch và sự tham gia của người dân vào toàn bộ các quyết định liên quan đến đất đai, bao gồm quy hoạch, giao đất, thu hồi và bồi thường. Theo nghiên cứu của PAPI năm 2011 do UNDP hỗ trợ, cứ 10 người dân thì có tới 8 người không biết về quy hoạch đất đai của địa phương, và chỉ có 22% khẳng định rằng họ có thể nhận xét về quy hoạch đất đai.
Khuyến nghị quan trọng thứ ba là đối xử công bằng và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả người sử dụng đất, bao gồm cả người sử dụng đất nông thôn. Việc nắm giữ đất nông nghiệp hiện đang được giới hạn trong 20 năm, chứ không vô thời hạn như đất ở, việc tích luỹ đất bị hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng nên tuân theo các quy tắc sử dụng đất như các doanh nghiệp tư nhân. Bình đẳng giới cũng là vấn đề cần ưu tiên khi tiếp cận của phụ nữ với đất đai vẫn kém xa so với nam giới.
Hành động là cấp thiết
Phát biểu bế mạc hội nghị vào chiều qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh tiến trình cải cách ở Việt Nam còn khó khăn nhưng điều quan trọng là Chính phủ phải hành động sớm. “Mỗi ngày trôi qua, nguyên nhân càng bộc lộ rõ hơn, sâu hơn. Dù cải cách trong lĩnh vực này là rất khó khăn, nhưng chúng ta buộc phải hành động sớm trước khi khủng hoảng xảy ra, nếu không khả năng giải quyết sẽ càng ngày càng hẹp lại”, bà nói.
Cải cách đất đai là một phần trong chính sách cải cách nông nghiệp, cải cách kinh tế. Việt Nam đang ở giai đoạn "ngã ba đường" và bước đầu bước vào giai đoạn quốc gia có thu nhập trung bình. Trong thời gian này, cải cách đất đai có vai trò quan trọng nếu muốn có những thành công mới.
Tại Việt Nam, việc ban hành chính sách đã được thực hiện khá tốt nhưng việc thực thi còn nhiều vấn đề. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa chính sách và thực hiện. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, nếu không giải quyết triệt để, việc này có thể đẩy lùi một số thành công ở Việt Nam.
Bà Kwakwa ghi nhận những tiến bộ trong việc cải thiện nền kinh tế ở Việt Nam nhưng cũng cho rằng những tín hiệu tích cực ấy vẫn còn mong manh. Chính vì thế, Việt Nam không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu phải tiến hành song song ở cả hai phía là cải cách tài chính tiền tệ và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đất đai là một trong những vấn đề nóng nhất của Việt Nam. Hơn 60% số đơn khiếu kiện ở các cấp đều liên quan đến đất đai, nhiều vấn đề bất ổn cũng liên quan đến đất đai. Vì thế đây là thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người dân, các cấp chính quyền. Việt Nam đang quyết tâm sửa đổi Luật Đất đai với nhiều tham vấn trên nghị trường quốc hội, thảo luận trong Đảng, Chính phủ. Việt Nam rất muốn lắng nghe sự tham vấn của các tổ chức trong và ngoài nước. Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ để xem xét, lựa chọn những nội dung cần bổ sung vào lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt được thành quả nhất định nhưng cũng đứng trước thách thức to lớn. Việc nhìn rõ những yếu kém là rất quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhằm đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Vì vậy, qua những cuộc thảo luận này, Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao ý kiến của các đối tác, các nhà tài trợ, những người đi cùng Việt Nam qua hàng chục năm qua. Chính những ý kiến đóng góp này đã giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện được cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: