Dự kiến đến năm 2035 Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân sống ở đô thị. Như vậy trong vòng 20 năm tới sẽ có 50 triệu dân sống trong hơn 1.000 đô thị. Câu chuyện quản lý đô thị đã và đang được đặt ra khá gay gắt. PV đã ghi lại những ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.
Phải tùy thuộc và từng đô thị để có mô quản lý hình hành chính cho phù hợp. Ảnh: Hoàng Long
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Hội Qui hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội:
Quy trình ngược
Tôi cho rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ có một nửa dân cư sống trong các đô thị trong quá trình đô thị hóa. Chính điều này đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị một bước thí điểm, nghiên cứu kỹ về mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mục nói về chính quyền địa phương vẫn khẳng định: Đất nước chúng ta vẫn gồm 4 cấp chính quyền. Thứ nhất, cấp trung ương mang tính quốc gia. Thứ hay là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thứ ba là cấp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chia ra làm các huyện, thị xã còn thành phố chia ra làm quận, thị xã. Cấp thứ tư là dưới thành phố, thị xã chia ra làm các phường, thị trấn. Huyện chia ra làm xã và thị trấn. Như vậy có một vấn đề được đặt ra là, việc tổ chức Ủy ban nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các đơn vị hành chính theo lãnh thổ thì được xác định theo luật, theo đặc điểm từng địa phương và theo phân cấp chức năng nhiệm vụ. Nếu chưa thay đổi luật, chúng ta không thể liều lĩnh chọn một mô hình nào đó đưa ra áp dụng đại trà được mà chỉ nên thí điểm thôi.
3 phương án Bộ Nội vụ đưa ra tôi cho rằng, chưa giải quyết được sự khác nhau về quy mô đặc thù các đô thị. Bởi vì không thể có thành phố, đô thị loại 1 dân số rất ít, có cơ cấu chính quyền như chính quyền của các thành phố lớn. 3 phương án đưa ra không thể áp dụng đồng loạt cho cả nước mà chỉ có thể lựa chọn phương án thích hợp cho 1, 2 đô thị nào đó mà thôi. Muốn áp một mô hình quản lý đô thị đồng nhất phải phân cấp lại đô thị chứ không thể áp mô hình quản lý giống nhau cho các đô thị có đặc điểm rất khác nhau. Như vậy, các phương án Bộ Nội vụ đưa ra là quy trình ngược.
Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Thực tiễn đòi hỏi cơ chế mới quản lý đô thị
Theo tôi, cơ cấu của chính quyền đô thị hiện nay rất cồng kềnh, tốn kém, làm chậm quá trình ra quyết định trong bối cảnh đô thị vận hành với tốc độ ngày càng nhanh. Mặt khác, thể chế hành chính hiện nay thiên về chịu trách nhiệm tập thể, không thể khuyến khích trách nhiệm giải trình. Việc phân công, phân cấp chưa được cân nhắc kỹ càng khiến tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống quản lý diễn ra nghiêm trọng, dẫn đến lợi ích Nhà nước bị nội bộ hóa, cục bộ hóa, không còn là một thể thống nhất. Hiện đã hình thành hai vùng đô thị lớn với nhân lõi là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng chưa có thể chế thích hợp để quản lý. Phải có một cơ chế mới cho quản lý đô thị nhưng cơ chế này phải được xem xét một cách thận trọng trước khi quyết định áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, quản lý chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay cứ dàn hàng ngang, các địa phương đều "mặc chung một cái áo” thì rất khó phát triển. Do đó, phải tùy thuộc và từng đô thị để có mô quản lý hình hành chính cho phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh:
Đưa "chính quyền đô thị” vào Hiến pháp
Thực tiễn phát triển ở TP.Hồ Chí Minh đã cho thấy những yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị rất khác chính quyền nông thôn. Tuy nhiên, Chương IX quy định về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được lấy ý kiến nhân dân vẫn chưa có một điều khoản mang tính mở đường việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị sau này. Thực tiễn đòi hỏi cần phân biệt rạch ròi chính quyền đô thị và nông thôn. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đã hội đủ các điều kiện để áp dụng mô hình quản lý đô thị mới chứ không thể là mô hình gồm 4 cấp chính quyền không phân biệt rõ đâu là chính quyền đô thị, đâu là nông thôn như hiện nay. Hiến pháp cần hiến định rõ "việc thành lập chính quyền địa phương, quy định chức năng, thẩm quyền của chính quyền địa phương do luật định phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn”. Đây sẽ là nguyên tắc, nền tảng pháp lý cho Quốc hội xây dựng luật về chính quyền đô thị và luật về chính quyền nông thôn.
Để đổi mới toàn diện về bản chất, trách nhiệm, cấu trúc của chính quyền địa phương, quan trọng nhất là cần bổ sung thêm điều khoản quy định nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Tăng quyền tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị trong cân đối thu-chi ngân sách. Tăng thẩm quyền, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố trong điều hành hoạt động của UBND, quyết định tất cả vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương, trừ những vấn đề thật sự quan trọng do tập thể UBND quyết định theo luật định.