Tuy nhiên ngày nay, trong thời đại của kỷ nguyên internet, của cách mạng 4.0 thì người ta lại nói nhiều về thuật ngữ “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Nghĩa là con cá nào nhanh hơn sẽ chiếm được thị phần nhiều hơn, hớt được những váng sữa ngon hơn, bổ béo hơn. Con cá chậm sẽ bị mất thị phần, teo tóp dần và sẽ bị những con cá nhanh thâu tóm.
Ai cũng đã từng được nghe về câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa. Thỏ chê rùa chạy chậm nên thách thức rùa chạy đua. Thỏ vì quá tự mãn nên vừa chạy vừa chơi nên đã ngủ quên trên đường đua và dẫn đến thua cuộc. Điều này đã không còn đúng trong thời đại hiện nay, các doanh nghiệp cùng đua trên thương trường, nhưng đa phần đã không còn ngủ quên nữa. Ngược lại các doanh nghiệp đều đang tập trung để tăng tốc tối đa, ai cũng muốn trở thành con cá nhanh nhất để chiếm thị phần nhiều nhất. Thỏ nay đã cảnh giác, nhanh hơn, tập trung hơn, hiếu thắng hơn.
Tuy nhiên, có một sự thật mà thỏ vẫn chưa học được, hay chưa biết để mà học. Thỏ cho dù có chạy nhanh cỡ nào thì vẫn không thắng được rùa. Có những thứ thuộc về quy luật bất biến của tự nhiên, nếu không hiểu thì sẽ mãi quay cuồng để rồi nhận lấy thất bại ê chề. Tạo hoá ban cho thỏ tốc độ và khả năng phản ứng nhanh, nhưng cũng ban cho thỏ điểm yếu chết người, đó chính là tuổi thọ. Tuổi thọ trung bình của thỏ chỉ là 2 năm, trong khi tuổi thọ trung bình của rùa là 200 năm, thậm chí có loài còn sống được đến 300 hoặc 400 năm tuổi. Vậy thử hỏi trong cuộc đua đường trường, ai sẽ là người chiến thắng?
Câu chuyện trên ứng dụng được gì cho loài người? Hãy nhìn những vị chân tu, những người lánh xa trần thế và sống trong rừng sâu núi thẳm. Bài viết không đề cập đến khía cạnh tôn giáo, mà chỉ nhìn nhận về sự thật khách quan trong lối sống. Những vị chân tu luôn sống chậm, thậm chí đến hơi thở cũng chậm. Các vị ấy luôn có một niềm tin vững chắc, hiểu rất rõ về mục đích tồn tại của mình. Một sự thật là các vị chân tu có tuổi thọ rất cao, từ đó có đủ điều kiện về mặt thời gian để theo đuổi mục đích sống, cũng như sứ mệnh của mình.
Một cái cây luôn phải bén rễ trước khi ra cành, ra lá. Cành càng to, lá càng nhiều thì rễ và gốc cũng phải to tương xứng. Rễ và gốc giúp cho cây vững vàng, cành và lá giúp cho cây hứng ánh nắng mặt trời và ra hoa, ra trái. Để đứng vững với không gian và thời gian thì cây cần phát triển bền vững, nghĩa là phải có gốc rễ chắc chắn. Nếu cây không tập trung phát triển gốc rễ, mà chỉ say sưa với hoa trái, cũng giống như một doanh nghiệp chỉ say sưa với thị phần, với doanh thu và lợi nhuận. Thì khi bão táp ập đến cây làm sao đứng vững?
Cành lá càng nhiều thì cây sẽ càng đổ nhanh, doanh nghiệp càng có nhiều chi nhánh, nhiều cửa hàng thì hệ thống sụp càng nhanh. Trong thời điểm đại dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, có lẽ thời gian này các doanh nghiệp mới thấy thấm thía tình trạng này hơn bao giờ hết. Trên các phương tiện truyền thông bây giờ đầy rẫy những tin tức về doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng (tạm dừng hoạt động), thậm chí có đến 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu đại dịch kéo dài hơn 6 tháng.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett
Từ năm 2010 đến nay, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã rất hạn chế trong việc đầu tư, thay vào đó ông tập trung tích trữ tiền mặt. Theo báo cáo đến cuối năm 2019, số tiền mà Công ty Berkshire Hathaway của ông tích trữ được đã là trên 128 tỷ đô la. Với sự chậm chạp trong giải ngân vốn đầu tư của mình, không ít nhà đầu tư thức thời đã chê Buffett nay đã già và không còn nhanh nhạy, nên bỏ lỡ rất nhiều khoản đầu tư hời khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 liên tục tăng. “Cá nhanh nuốt cá chậm” liệu có đúng trong trường hợp này?
Khi xảy ra suy thoái kinh tế, hay nặng hơn là khủng hoảng kinh tế, tài sản sẽ bị mất giá rất nhiều. Khi đó tiền mặt sẽ là vua, nghĩa là sẽ mua được rất nhiều tài sản có giá trị với mức giá rẻ mạt. Thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc đại suy thoái trăm năm mới có một lần (lần gần nhất là năm 1929). Nếu đại dịch Covid 19 này khiến thế giới lâm vào đại suy thoái, thì với lượng tiền mặt khổng lồ trong tay, ngài Warren sẽ mua được hàng núi tài sản giá trị với giá cực rẻ. Khi đó câu thần chú “cá nhanh nuốt cá chậm” sẽ phải đổi lại cho đúng với thực tế là “cá nhanh cứ việc ăn cho no, no rồi thì ngoan ngoãn chui vào miệng cá nhậm”. Lịch sử đã chứng minh, trong khủng hoảng, sẽ có một sự dịch chuyển rất lớn về mặt tài sản trên toàn thế giới. Tiền không tự mất đi, mà nó chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác.
Trong thời đại 4.0, không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và đời sống. Nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy thì sẽ dẫn đến tụt hậu. Nhưng cũng không vì vậy mà quên đi cái nền tảng, cái gốc rễ chỉ để chạy theo xu hướng. Để phát triển triển bền vững rất cần sự cân bằng. Trái đất muốn ổn định thì phải giữ được khoảng cách với mặt trời, với các hành tinh khác trong Thái dương hệ. Hệ mặt trời muốn tồn tại cũng phải tự cân bằng với chính nó và với Giải Ngân hà, Giải Ngân hà thì phải cân bằng với vũ trụ bao la.
Loài người hiện nay đang phát triển quá nhanh, cứ nghĩ mình là chủ nhân của trái đất này, muốn khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, và thải chất độc vào môi trường hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây với liều lượng không ngừng tăng cao. Mà quên đi sự thật rằng ai mới là chủ nhân thực sự của trái đất này. Con người sống trên mặt đất, tạo hoá ban cho con người đất đai, rừng vàng, biển bạc, muông thú và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng con người lại vì đất đai, tài nguyên mà chém giết nhau, gây chiến tranh triền miên. Đến tận thế kỷ 21 mà trái đất vẫn chưa được bình yên.
Tại sao lại có hiện tượng băng tan, trái đất nóng dần lên? Tại sao lại xảy ra thiên tai, lũ lụt, hoả hoạn? Tại sao bệnh tật ngày càng nhiều và càng khó chữa? Tại sao virus ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn? Phải chăng thiên nhiên đang tiến hoá để chống lại sự tàn phá của loài người?
Đại dịch Covid 19 chính là một dịp để chúng ta nhìn lại, đã đến lúc mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân cần nhìn lại chính mình, nhìn lại những hành động, mục đích và sứ mệnh tồn tại của chính mình.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: