“Sẽ có chế tài buộc các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động xây nhà ở cho công nhân” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo Nhà ở công nhân, thực trạng và giải pháp do Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức ngày 17-10.
Nhắm vào các “ông lớn” bất động sản
Theo ông Dũng, các DN cần xem việc xây dựng nhà ở cho công nhân là yếu tố để tăng sức cạnh tranh, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của DN. Hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân, do vậy các DN cần nhanh chóng vào cuộc.
Đối với các DN kinh doanh nhà ở, bất động sản, ông Dũng đánh giá cần có chế tài yêu cầu họ tham gia xây dựng nhà ở phi hàng hóa (bên cạnh nhà ở thương mại). “Hiện Nhà nước đã có chính sách này nhưng chưa thực hiện quyết liệt. Sắp tới, chúng ta phải bắt buộc cụ thể hơn, đặc biệt với những DN lớn, kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Ở các nước, DN kinh doanh nhà thương mại đều phải cam kết dùng 40% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, cộng đồng dân cư gần các KCX-KCN đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhà ở cho người dân. Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích, vận động người dân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Nhiều công nhân muốn thoát khỏi các khu nhà trọ chật hẹp để có điều kiện cho con cái học hành, vui chơi nhưng đồng lương không cho phép họ làm điều đó. Ảnh: P.ĐIỀN
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa
Luật Nhà ở khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội. Thế nhưng việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê, thuê mua chưa đạt nhiều kết quả. Lý do là cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tín dụng, thuế của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác là nguồn vốn đầu tư lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê mua thì thời gian thu hồi vốn chậm, khả năng sinh lời thấp.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thực ra nhà ở công nhân đã được xã hội hóa từ lâu. Do không có sự can dự của Nhà nước nên chủ đầu tư thường tận dụng các diện tích đất chật hẹp để xây nhà trọ cho công nhân thuê với giá phù hợp. “Phần lớn công nhân đang sống trong những nhà trọ như vậy nhưng các nhà làm chính sách lại không quan tâm cải thiện thực trạng này. Thay vào đó, họ chỉ muốn làm cuộc “cách mạng” về nhà ở, đưa công nhân vào những chung cư kiên cố có chiều cao không quá sáu tầng, diện tích 30-60 m2 (Điều 47 Luật Nhà ở)” - ông Liêm nói.
Từ thực trạng trên, ông Liêm đưa ra giải pháp: Nên tài trợ kinh phí để chủ nhà trọ cải thiện phòng trọ mà không cần tăng giá thuê. Cụ thể, mỗi phòng 2-3 công nhân cần có một bệ xí, nhà tắm rộng 1 m2; mái không bị dột, nền xi măng, tường gạch… UBND các tỉnh, thành nên ủy nhiệm công đoàn các KCN ký hợp đồng tài trợ với các chủ nhà trọ. Nguồn kinh phí được trích từ tiền thuế của các nhà máy trong KCN được Chính phủ cho phép tỉnh giữ lại để chi vào mục đích cải thiện và phát triển nhà ở cho công nhân.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP có ba KCX và 10 KCN với trên 1.200 dự án đầu tư. TP có hai triệu lao động đang làm việc tại các KCX-KCN và các DN, trong đó có 1,3 triệu công nhân ngoại tỉnh, 50% số này có nhu cầu thuê nhà ở. Hiện TP đã xây dựng khoảng 1,39 triệu m2 tổng sàn nhà ở, đáp ứng chỗ ở cho trên 455.000 công nhân.
Sở Xây dựng TP cho rằng đối với các DN sử dụng trên 500 lao động cần quy trách nhiệm và nghĩa vụ tạo quỹ đất và xây dựng nhà ở cho công nhân. Còn DN sử dụng dưới 500 lao động phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí để địa phương xây dựng nhà lưu trú công nhân. Số tiền đóng góp tỉ lệ với số lượng công nhân sử dụng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: