Bồi thường đất nông nghiệp bằng 10%-15% đất ở

Kiến nghị giá bồi thường nhà đất ở và giá bán tái định cư cho người dân phải được tính trên cùng thời điểm.

Kiến nghị giá bồi thường nhà đất ở và giá bán tái định cư cho người dân phải được tính trên cùng thời điểm.

Chiều 31-8, HĐND TP.HCM đã kết thúc chương trình giám sát về tình hình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất trên địa bàn TP bằng buổi làm việc với Sở TN&MT TP. Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hồng cho biết: Trong giai đoạn 2006-2011, UBND TP đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất 849 dự án gồm: 255 dự án nhà ở với 1.854 ha, 377 dự án sản xuất, kinh doanh với 2.817 ha và 217 dự án phúc lợi công cộng với 732 ha. Trong đó, các dự án phúc lợi công cộng áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ nguồn vốn ngân sách. Các dự án nhà ở, kinh doanh thuộc diện thực hiện theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng đất với người dân…

Nhiều dự án dở dang kéo dài

Đoàn giám sát HĐND TP đã ghi nhận tại nhiều quận, huyện tồn đọng một số dự án dở dang kéo dài nhiều năm do người dân khiếu nại, không đồng ý giá bồi thường để thu hồi đất mà yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận giá đất.

Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt xác nhận đến nay TP vẫn còn 226 dự án, diện tích 1.781 ha chủ đầu tư thỏa thuận dở dang, không ít trường hợp thỏa thuận được đến 80% diện tích dự án nhưng phần còn lại không thể thỏa thuận tiếp với người sử dụng đất, dẫn đến dự án kéo dài. Theo ông Kiệt, Nhà nước chủ yếu áp dụng cơ chế thu hồi đất với các dự án đầu tư công ích, còn với những dự án nhà ở, kinh doanh thì Nhà nước khuyến khích phương án chủ đầu tư thỏa thuận giá chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, có một số trường hợp yêu cầu giá đất quá cao, thậm chí đòi giá đất nông nghiệp cao hơn giá đất ở trên thị trường nên rất khó thỏa thuận.

Thi công cơ sở hạ tầng một dự án nhà ở tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD

Phân định rõ khi nào Nhà nước thu hồi đất

Ông Đào Anh Kiệt cho rằng việc tồn tại hai cơ chế: Nhà nước thu hồi đất và chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất đang gây nhiều phức tạp và khiếu kiện của người bị thu hồi đất. Vì vậy, để tránh lạm quyền trong thu hồi đất và công khai minh bạch, kéo giảm khiếu nại của người dân, Sở TN&MT kiến nghị cần phân định rõ phạm vi áp dụng của cơ chế thu hồi đất và cơ chế tự thỏa thuận.

Theo đó, đề xuất áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với các loại dự án: sử dụng vốn ngân sách (không phân biệt mục đích), chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn, phát triển đô thị quy mô lớn được Thủ tướng cho phép, xã hội hóa về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, vốn 100% nước ngoài.

Ngoài các dự án trên thì áp dụng cơ chế thỏa thuận. Riêng dự án đã tự thỏa thuận trên 80% diện tích mà không thể tiếp tục thỏa thuận do phía người sử dụng đất đòi hỏi quá cao thì Nhà nước thực hiện cơ chế thu hồi để đảm bảo phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ. Tuy nhiên, giá bồi thường không thấp hơn giá bình quân những trường hợp đã thỏa thuận trước đó.

Bồi thường đất nông nghiệp theo % giá đất ở

Theo Sở Tài chính, hiện nay giá bồi thường đất nông nghiệp xoay quanh 150.000 đồng/m2. TP vận dụng hết mức các quy định mở rộng thì cũng chỉ lên được đến 380.000 đồng/m2. Cho nên tình trạng thực tế hiện nay là tiền hỗ trợ cho hộ có đất nông nghiệp lớn hơn nhiều tiền bồi thường.

Vì vậy, Sở TN&MT đã đề xuất tính giá bồi thường đất nông nghiệp bằng 10%-15% giá bồi thường đất ở. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa bớt phức tạp khi giải quyết chính sách bồi thường. Cho dù dự án trải qua nhiều giai đoạn, thời gian thực hiện kéo dài, giá đất ở trên thị trường tăng thì lợi ích của người dân sẽ tăng theo, không bị giữ nguyên “giá chết” như hiện nay.

Về những vướng mắc trong chính sách giá bồi thường và giá tái định cư, ông Tạ Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết liên sở Tài chính - TN&MT - Xây dựng đã trình UBND TP hướng giải quyết. Trong đó, kiến nghị giá bồi thường nhà đất ở và giá bán tái định cư cho người dân phải được tính trên cùng thời điểm. Đối với những dự án trước đây đã phê duyệt giá bồi thường thấp so với giá tái định cư hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải bù chênh lệch. Nếu đó là dự án công ích thì ngân sách sẽ hỗ trợ để đảm bảo chỗ ở cho người dân. Còn nếu là dự án kinh doanh thì chủ đầu tư doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả. Trường hợp người dân nhận nhà đất tái định cư ở khu vực đô thị sầm uất hơn, có cơ sở hạ tầng tốt hơn, giá trị nhà đất cao hơn so với suất tái định cư của mình sẽ được xem xét hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng. Riêng những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư sẽ được thuê nhà theo giá bằng trị giá nhà tính chia cho 30 năm.

Quỹ 156 đối diện với nợ xấu

Cùng ngày, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP về Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn TP (Quỹ 156), ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết hiện có tình trạng chủ dự án đầu tư chậm trích nộp khoản kinh phí đóng góp vào quỹ làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu của các hộ dân bị di dời. Trên địa bàn TP hiện có 292 dự án đóng góp cho Quỹ 156 với tổng số tiền phải nộp hơn 1.430 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu về hơn 153 tỉ đồng.

Sở LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện nay Quỹ 156 cũng đang đối diện với tình trạng nợ xấu (khoảng 36 tỉ đồng). Nguyên nhân là do nhiều đối tượng được vay thay đổi chỗ ở hoặc không xác định chỗ ở. Cạnh đó, mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2%/năm đối với người dân được vay là rất thấp, lại theo quy định lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất nợ trong hạn nên người dân có tâm lý chưa trả cũng không sao, dẫn đến tình trạng nợ xấu. Sở LĐ-TB&XH kiến nghị nâng mức lãi suất này lên 3,5%/năm trong thời gian tới, đồng thời cần có thêm các quy chế hoạt động để quỹ này hoạt động hiệu quả hơn.

Việt Hoa

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24