Ổ chuột kiểu mới
Phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm của Hà Nội có lẽ là thí dụ điển hình cho một ngôi làng trong phố. Mặc dù đã chính thức thành phường theo quyết định thành lập 2 quận Nam - Bắc Từ Liêm trước đó của UBND TP Hà Nội, nhưng không khó để thấy bóng dáng của một ngôi làng vẫn tiếp tục hiện hữu qua những căn nhà chưa rõ hàng lối, không khí, ao hồ ô nhiễm do nước thải của các nghề truyền thống như sản xuất bún, rác thải vương vãi nhiều nơi…
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, đây cũng là tình trạng chung của nhiều khu vực đô thị Hà Nội. Quá trình đô thị hóa ồ ạt, lộn xộn và sự lúng túng trong quản lý thời kỳ chuyển giao đang tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới.
Đó là các khu ngõ ngách mà có thể tạm gọi tên là “phường làng” với đường sá chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, ngập úng, điều kiện sống kém, trẻ em không có chỗ chơi, người già không có chỗ dạo, xảy ra sự cố, xe cứu hỏa không thể vào, xe cứu thương không kịp cấp cứu… Thậm chí điều này xảy ở những khu vực mà 4 phía đều đã phát triển với tốc độ cao, tạo nên những ốc đảo ngay trong lòng đô thị.
Theo TS. Dương Quốc Nghị, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, sự lúng túng này không chỉ bây giờ mới thể hiện. Bởi thực tế điều này đã tồn tại mang tính hệ thống qua các khu tập thể và khu lao động cũ, với các cấu trúc ngõ ngách lô thửa của làng xóm ban đầu như khu Khâm Thiên, Trần Khát Chân, Phương Liên...
Các khu nhà tập thể này không chỉ quá tải, xấu xí, ô nhiễm, bất tiện trong cuộc sống mà còn tạo nên những gánh nặng cho đô thị. “Trên thực tế, các làng xã trong cơn lốc đô thị hóa đã thiếu hẳn sự chuẩn bị một cách bài bản về điều kiện, về hạ tầng và quan trọng hơn là tâm thế của con người” - ông Nghị cho biết.
Quy hoạch bằng cách nào?
Trên thực tế, việc xây dựng một mô hình hợp lý cho các khu vực được nâng cấp lên thành đô thị từ tiền thân là các ngôi làng gần như vẫn còn là khoảng trống. Và điều này đã dẫn đến hệ quả là không gian đô thị nhếch nhác, khó quản lý, khó quy hoạch.
Theo Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, trong khi bộ mặt đô thị là các làng xóm, huyện được nâng thành phường, quận hết sức nhếch nhác, điều này lại không được đưa đúng tầm khi lập và quản lý quy hoạch trong luật, nghị định, như Luật Quy hoạch đô thị để có các cơ chế chính sách phù hợp như ưu tiên đầu tư quy hoạch, quản lý, cơ chế chính sách tài chính, đất đai, dãn dân… Đặc biệt, quy hoạch chi tiết cho các khu vực này lại đang rất chậm trễ.
Quận mới Nam Từ Liêm vẫn hiện hữu lối sống làng xã. |
Tuy nhiên, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội, vấn đề quy hoạch chưa phải là lớn nhất mà chính cách thực hiện quy hoạch cho khu vực này đang rất bất ổn. Theo ông Nghiêm, rất nhiều phường có tiền thân là các ngôi làng trong khu vực nội đô đã có quy hoạch chặt chẽ, như phường Dịch Vọng, phường Phú Thượng, phường Láng Thượng…
Trong đó, Láng Thượng đã có quy hoạch từ năm 1997. “Phường Phú Thượng còn có một bản quy hoạch có thể coi là kiểu mẫu, có sự tham gia, hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, tại sao thực hiện vẫn không ổn. Như vậy, vấn đề chính ở đây là phương thức thực hiện quy hoạch, năng lực quy hoạch” - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia đô thị, việc chưa thực sự coi trọng vấn đề quy hoạch đô thị ngay từ khi làng, xã mới được nâng cấp, nhìn qua sẽ không có gì nghiêm trọng.
Tuy nhiên, về lâu về dài, điều này sẽ tạo ra những khu đô thị cũ với áp lực dân số quá đông, hạ tầng yếu kém và đến lúc đó, TP muốn cải tạo, sửa đổi cũng không thể làm nổi, giống như bài toán đối với những tập hợp chung cư cũ hiện nay.
Bên cạnh sự thận trọng để không phá vỡ, biến mất một cụm dân cư đã tồn tại bền chặt hàng trăm năm, việc cải tạo để cho phù hợp với không gian phố là điều cần được chú trọng. “Nhà nước cần có sự đầu tư và quan tâm đúng mức, từ luật cho đến những kế hoạch chỉnh trang đô thị. Giải quyết được vấn đề này ngay từ đầu, gánh nặng đô thị sẽ nhẹ bớt về sau”- ông Trần Ngọc Hùng nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: