Liệu có nên bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp? Ảnh internet.
Nỗi niềm của người làm nông
Vừa qua, việc cưỡng chế thu hồi đất khai hoang trước thời hạn ở Hải Phòng không những làm người dân địa phương lo lắng mà còn lan rộng sang các địa phương khác. Thực tế, đối với người gắn liền với nghề nông thì thời gian 20 năm thật ngắn ngủi để đầu tư sản xuất dài hạn hay phát triển kinh tế trang trại.
Theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/9/1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất là 20 năm.
Căn cứ theo Luật, hàng loạt nông dân được giao đất nông nghiệp từ 1993 sẽ hết thời hạn được giao đất trong năm 2013. Điều này khiến nhiều người rất lo lắng trong việc giải quyết vấn đề chia lại ruộng đất. Vì thế, họ không dám đầu tư nhiều vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Điều 3 của Nghị định 181/2004 có quy định các hộ gia đình và cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất sẽ được tiếp tục sử dụng với thời hạn đã quy định khi hết thời hạn sử dụng đất nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về các thủ tục gia hạn khiến người dân băn khoăn và chính quyền địa phương cũng lúng túng.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, khi gia hạn thời gian thì cơ quan có thẩm quyền chỉ ghi nhận thêm thời hạn sử dụng đất vào giấy tờ của người được quyền sử dụng mà không phải thêm bất cứ thủ tục nào.
Tuy nhiên, tại điều 67 Luật đất đai năm 2003, để được Nhà nước tiếp tục giao đất khi hết thời hạn người sử dụng phải đảm bảo các điều kiện như: Có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai, đồng thời, việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Vì vậy, nếu căn cứ vào các quy định này nhiều hộ gia đình có khả năng không được gia hạn bởi hầu hết tình trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay gần như không phù hợp với quy hoạch.
Nên bỏ hay không?
Thiết nghĩ, nếu việc sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thu hồi để thực hiện theo quy hoạch thì người dân vẫn được gia hạn sử dụng trong thời gian ngắn nhưng cụ thể là bao lâu sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Dù vậy, điều này khó tạo động lực để người dân tiếp tục đầu tư vào sản xuất.
Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên – Môi trường đang xem xét các ý kiến để đưa vào dự thảo sửa đổi Luật đất đai nhưng lại có nhiều luồng trái ngược nhau. Cụ thể, một lượng lớn ý kiến muốn kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đến 50 năm hoặc không có thời hạn, còn khoảng 50% ý kiến muốn chia lại đất khi hết thời hạn để đảm bảo nội dung đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Nếu giao đất có thời hạn và chia lại khi hết thời hạn sẽ đảm bảo tính chất “sở hữu toàn dân” nhưng có thể sẽ xảy ra tình trạng cưỡng chế thu hồi đất đã xảy ra ở Hải Phòng. Giả sử, còn 1 tháng là đến vụ thu hoạch nhưng trong 3 ngày tới nữa là hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Vậy, Cơ quan chính quyền sẽ giải quyết như thế nào? Liệu người dân có bị cưỡng chế để thu hồi đất hay không? Vì thế, để tránh những việc ngoài ý muốn thiết nghĩ cần phải có các quy định chi tiết hướng dẫn người dân cũng như chính quyền địa phương thực hiện khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp vào cuối năm tới.
Ngược lại, thời gian sử dụng đất được kéo dài hơn khoảng 50 năm trở lên sẽ tạo động lực cho nông dân tham gia vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng thuận với ý kiến này, theo G.S Đặng Hùng Võ, Luật đất đai có thể định hướng cách xử lý như: Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 99 năm hoặc xóa bỏ thời hạn sử dụng. Kèm theo đó là các quy định cụ thể về giải quyết triệt để những trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc không sử dụng hiệu quả bằng cách đánh thuế cao hoặc thu hồi đất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: