Xây dựng mái ấm
Anh Hải (ngụ tại quận 8, TPHCM) cho biết nếu trước đây vợ chồng anh không mạnh dạn vay ngân hàng để mua nhà thì có lẽ bây giờ gia đình anh vẫn đang phải trả tiền trọ hàng tháng.
Anh Hải kể anh lên TPHCM thuê nhà trọ học đại học từ năm 2011. Sau 4 năm đèn sách, anh tốt nghiệp rồi đi làm và quen với chị Thoa. Hai người nên duyên vợ chồng khi mới 25 tuổi. Cả hai đều mong muốn ở lại thành phố để làm việc, đặt mục tiêu sẽ mua nhà tại TPHCM.
Ông bà xưa nói “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” để chỉ ba cột mốc quan trọng được xem là thước đo đánh giá sự thành công của một người đàn ông. Trong đó công việc thứ ba “làm nhà” không phải ai cũng có thể đạt được trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh giá nhà đất tại những thành phố lớn luôn tăng theo thời gian.
Ngao ngán trước cảnh ở trọ hơn 7 năm trời với nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, anh Hải quyết tâm xây dựng mái ấm riêng cho mình, nung nấu ý tưởng mua nhà từ nguồn tài chính vẫn còn eo hẹp của đôi vợ chồng trẻ.
Quyết định vay ngân hàng
Trước khi kết hôn, anh chị đã đi làm và cũng tiết kiệm được một số tiền, cộng thêm với tiền mừng đám cưới của dòng họ hai bên được khoảng 500 triệu đồng. Vào thời điểm năm 2018, cầm 500 triệu đồng trong tay tìm mua nhà tại TPHCM với hồ sơ pháp lý rõ ràng thì xác suất gần như bằng không.
Sau khi cân nhắc giữa việc dùng 500 triệu đồng đó để kinh doanh hay mua nhà, vợ chồng anh Hải đã quyết định vay thêm tiền ngân hàng để mua nhà. Anh mua một căn hộ chung cư rộng 68m2, hai phòng ngủ tại quận 8, TPHCM với giá 1,5 tỉ đồng.
Nhiều người khuyên anh nên dùng số tiền trên để đầu tư kinh doanh, mua bán kiếm lời, thay vì vay ngân hàng mua nhà rồi phải gồng gánh trả lãi hàng tháng. Nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định “mang nợ” để mua nhà, mà theo lời anh thì đó là quyết định sáng suốt.
Anh bảo mỗi người có hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau. Vợ chồng anh đều là nhân viên văn phòng, không quen việc tính toán kinh doanh. Thêm vào đó, gia đình cha mẹ hai bên cũng không khá giả, nếu mang hết số tiền dành dụm mấy năm trời đi đầu tư chưa chắc đã sinh lời mà có thể thua lỗ thì khổ.
Hơn nữa, khoản tiền lương tăng theo năm của cả hai người cũng không đuổi kịp với tốc độ tăng của giá nhà đất. Nếu cứ đợi tiết kiệm đủ tiền thì không biết đến bao giờ. Vào thời điểm đó, thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 25 triệu đồng/tháng. Trong số đó, anh dành ra 11,5 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng, phần còn lại dành cho các chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm.
So với thời gian trước khi mua nhà, các buổi cà phê và gặp nhau cuối tuần với bạn bè cũng ít hơn vì hạn chế chi tiêu, nhưng bù lại hai vợ chồng đã có được ngôi nhà sạch sẽ, đã có không gian riêng của mình, không còn cảnh tạm bợ như trước.
Nghĩ lại những gì đã diễn ra, anh Hải thấy mình đã sáng suốt khi quyết định vay tiền ngân hàng mua nhà ngay sau khi kết hôn, khi cả hai vợ chồng chưa vướng bận chuyện con cái. Lúc này, cả hai đang còn trẻ, đang trong độ tuổi lao động sung sức. Việc đi vay ngân hàng xem như có thêm động lực để kiếm tiền mua nhà, chấp nhận “khổ trước, sướng sau”.
Có thể nhiều người sẽ không chọn theo cách của anh Hải, cho rằng chẳng việc gì phải vội để rồi mang nợ vào thân, hàng tháng cứ lo lắng chuyện trả nợ ngân hàng, sao không đợi thêm vài ba năm nữa khi đã tiết kiệm kha khá rồi hãy tính tới việc mua nhà.
Mỗi người đều có một cuộc sống, một quỹ thời gian riêng, không ai là giống ai. Do đó, để đạt được mục tiêu mua nhà như anh Hải, các gia đình trẻ cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, đồng thời cần nỗ lực mới hy vọng đạt được mục tiêu.
Trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng mà diện tích đất thì lại không mở rộng, chuyện giá nhà đất leo thang là điều dễ hiểu. Do vậy, biết tận dụng cơ hội khi còn trẻ để làm việc và mua nhà là điều những gia đình trẻ nên cân nhắc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: