UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, việc quản lý, sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai được tăng cường; các cấp, các ngành tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tranh chấp về đất đai theo quy định…
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 1.993/2.887 trường hợp lấn, chiếm đất đai xây dựng nhà trái phép; còn 864 trường hợp đang tiếp tục xử lý theo quy định (trong đó có 758 trường hợp vi phạm từ ngày 01/7/2014 đến 31/12/2019 và 104 trường hợp vi phạm từ ngày 01/01/2020 đến 10/6/2020). Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để xử lý cưỡng chế dứt điểm các trường hợp này.
Đối với địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các địa phương: TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát thực hiện công tác cưỡng chế, tháo dỡ đối với 52 trường hợp; đang tiếp tục củng cố hồ sơ để tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm còn lại theo kế hoạch. Bên cạnh đó, UBND các xã có liên quan cũng đã chủ động cưỡng chế 08 trường hợp.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định cũng đã thẳng thắn thừa nhận, qua quá trình thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai xây dựng nhà trái phép tại các địa phương còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn.
Cụ thể, một số địa phương chưa thực sự kiên quyết trong xử lý, chưa kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử lý vi phạm theo quy định; có địa phương để người dân xây dựng công trình vi phạm, gây khó khăn trong việc xử lý cưỡng chế sau này. Lực lượng cán bộ chuyên môn ở địa phương còn mỏng, nhất là cán bộ địa chính phường, xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, một số trường hợp thực tế, việc cán bộ địa chính cấp xã thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn quản lý chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ nhà, công trình xây dựng trái phép chưa thường xuyên; trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, một số địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật để xử lý sai phạm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: