Đặc biệt, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phải kê khai theo quy định.
Theo quy định trước đây, người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch.
Tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên còn bổ sung hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức (tùy theo tính chất, mức độ) đối với công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Cụ thể, đối với công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức.
Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức việc kê khai chậm so với quy định của pháp luật; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị quy định... thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật khiển trách; cảnh báo hoặc hạ bậc lương.
Một kẽ hở trong Nghị định 68 mà cơ quan xây dựng - Thanh tra Chính phủ - cũng thấy rõ nhưng thừa nhận phải mất một thời gian nữa mới có thể “bịt” được việc quan chức xé nhỏ tài sản cho vợ, con cái - nhiều người lại chưa đủ tuổi thành niên. Đó là chưa tính tới quan chức gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.
Những kẽ hở này, theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sẽ được Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tìm ra biện pháp, công cụ ngăn chặn hiệu quả trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia BĐS khẳng định Nghị định 68/2011/NĐ-CP và Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của chính phủ quy định bắt buộc quan chức phải kê khai tài sản; thậm chí, cả quy định chống rửa tiền qua BĐS mới đây của Bộ Xây dựng chác chắn sẽ không mấy tác động đến thị trường BĐS. Và, những quy định, Nghị định này có thể khiến những quan chức phải bán tháo tài sản BĐS có được vì tham nhũng hay không lại rất khó xảy ra.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường: Việc tham nhũng trong lĩnh vực BĐS hiện nay rất tinh vi. Vì thế, dù những quy định kê khai tài sản có hiệu lực thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chỉ là một số quan chức cấp thấp, bởi họ thường trực tiếp đứng tên sở hữu các tài sản.
Ông Võ cho biết: Mới đây ông có đọc bài báo nhắc đến chuyện một quan chức cấp quận sở hữu đến 3 cái biệt thự trong một dự án. Song chuyện này cũng không khiến ông ngạc nhiên. Bởi theo ông Võ, một quan chức cấp phòng quản lý về tài nguyên môi trường thôi, mỗi dự án họ có một sản phẩm nào đấy là chuyện hết sức bình thường. Nhưng quy định kê khai tài sản có khiến họ bán tháo BĐS để tẩu tán tài sản tham nhũng hay không lại là chuyện không thể xảy ra. Bởi tài sản của họ vốn không được mua bán, chuyển nhượng chính thức, không có tên tuổi của người ta nên người ta sẽ không bán tháo.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc công ty Tiếp thị, Quản lý BĐS NaViGat cũng cho rằng: việc quan chức, nếu có tham nhũng, họ cũng rất tinh vi trong việc phân tán tài sản. Trong khi, pháp luật có quá nhiều khe hở cũng khiến nhiều quan chức có thể hợp lý hóa các tài sản do tham nhũng mà có được. Vì thế, việc kê khai tài sản và việc ai đó lo sợ mà bán bớt tài sản BĐS chắc chắn cũng sẽ không có tác động nhiều đến thị trường BĐS.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: