Ảnh: QUANG QUÝ
Ðua nhau lấn
Tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh hầu như diễn ra ở khắp địa bàn. Nơi nào có sông, kênh, rạch khả dĩ mang lại lợi ích thì nhiều đối tượng tìm cách lấn chiếm và sử dụng như một tài sản cá nhân. Tầm nhìn càng đẹp, diện tích càng lớn, càng bị lấn chiếm nhiều.
Khảo sát tại một số tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm nhiều nhất trên địa bàn, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi mức độ vi phạm có nhiều nơi lên tới hàng ngàn mét vuông. Huyện Nhà Bè, Bình Chánh; quận 2, 9, 8 là những địa phương có diện tích sông, kênh, rạch bị lấn chiếm nhiều nhất.
Trước kia, hàng ngàn hộ dân lấn chiếm sông, kênh, rạch chỉ nhằm xây dựng nhà ở. Gần đây việc lấn chiếm còn để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, giải trí, nhà hàng với quy mô, diện tích lớn gấp hàng chục lần. Ðiển hình như dự án sân quần vợt thuộc dự án Dragon City trên đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) lấn hơn 470 m2 trên bờ sông Rạch Ðĩa. Ðây là diện tích nằm trên hành lang bảo vệ đường sông. Tại khu vực Thanh Ða (quận Bình Thạnh), từ nhiều năm nay, người dân vẫn thắc mắc về một ngôi biệt thự "hoành tráng" ở đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh vẫn được phép cho thuê làm văn phòng khi mà chính bản thân nó nằm trái phép trên hành lang an toàn tuyến sông.
Tương tự là trường hợp nhà hàng ẩm thực và karaoke Lạc Hồng thuộc ấp 1, xã Nhơn Ðức, huyện Nhà Bè. Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa, đây là công trình được phát hiện lấn chiếm nghiêm trọng và đã có kiến nghị với huyện Nhà Bè, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay công trình vẫn hoạt động sôi động hơn trước. Thậm chí, tại quận 2, tình trạng các dự án nhà ở cũng nằm ngay trên hành lang bảo vệ sông, rạch.
Theo quy định, tùy thuộc vào sông thuộc tuyến cấp nào thì có giới hạn hành lang bảo vệ cấp đó (30-50 m), nhưng nhiều dự án nhà ở chỉ có khoảng cách giữa mép bờ cao của sông đến các dự án bên trong phía đất liền chỉ 10-20 m. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giáp sông Sài Gòn có 41 dự án nhà ở. Ðây thật sự là con số đáng báo động. Ðáng lo hơn, số vụ lấn chiếm vẫn tiếp tục tăng theo các năm mặc dù cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có khẳng định hằng năm vẫn tiến hành kiểm tra, xử phạt. Theo Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh Phan Hoàng Trí, thành phố hiện quản lý hơn 900 km đường thủy nội địa, song, một nửa quỹ đất dọc hành lang sông, rạch đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhiều trường hợp lấn ra mặt nước sông với diện tích lớn nhưng chưa được xử lý.
Sở dĩ tình trạng lấn chiếm sông, rạch diễn ra ồ ạt là do từ năm 1994-2004, quy định về quản lý tuyến sông giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, người dân lợi dụng đua nhau lấn chiếm. Ðến 2004, UBND thành phố đã ban hành các quy định tăng cường bảo vệ hành lang bờ sông, nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp tục diễn ra công khai.
Chồng chéo xử lý
Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa, khi phát hiện các hộ dân lấn chiếm, đơn vị này chỉ có thể lập biên bản hoặc báo cáo về địa phương để các đơn vị khác xử lý. Chính quy định này là một bất cập cần được điều chỉnh.
Ngoài ra, để tình trạng lấn chiếm diễn ra lộn xộn như thời gian qua cũng là do quy định về các dự án có vị trí tiếp giáp sông, rạch trên địa bàn quận đều được giao, thuê đất và phê duyệt quy hoạch trước thời điểm Quyết định 150 (Quyết định 150/2004 của UBND thành phố quy định về hành lang an toàn sông Sài Gòn) của thành phố có hiệu lực. Khi đó, việc giao đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường; phê duyệt quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Như thế, những quyết định trước đó khi giao đất cho người dân đã vô tình chồng chéo lên các quyết định sau này.
Ðơn cử như dự án có vị trí giáp sông, rạch đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Trong đó, có cả phần đất nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông, rạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng ranh, mép bờ cao các tuyến sông, rạch đã được công bố thì nhiều lô đất sẽ không được phép xây dựng mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận. Trước thực trạng lấn chiếm vô tội vạ này, Sở Xây dựng thành phố đã tổ chức đội thanh tra địa bàn rà soát, kiểm tra để xác định nguyên nhân vi phạm, từ đó có hướng giải quyết. Kết quả thanh tra dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4-2014 này.
Tuy nhiên, với cách quản lý chồng chéo của các cơ quan chức năng liên quan trong thời gian qua, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch không những không được xử lý mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong việc điều tiết dòng chảy ở những đoạn sông, rạch bị lấn chiếm. Theo các chuyên gia, việc lấn chiếm sông, rạch làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gia tăng nguy cơ sạt lở do tải trọng của các công trình xây dựng trên bờ sông bị lấn chiếm; gia tăng cường suất lũ, khi các vùng trũng ven sông vốn có tác dụng điều tiết nước sẽ không còn nữa. Ðể hậu quả này không diễn ra, các cơ quan chức năng cần sớm hành động một cách kiên quyết để trả lại sự tự nhiên vốn có của hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: