Chuyển sàn niêm yết sang HOSE sẽ giúp SHB hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Dũng Minh.
Nhộn nhịp lên sàn, chuyển sàn
Ngày 23/12, Ngân hàng thương mại cổ phần MSB đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE. Từ mức giá khởi điểm 15.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này nhanh chóng đạt mức tăng 20%.
Trước đó, cổ phiếu MCM của Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu chào sàn UPCoM, giá liên tục tăng trần. Từ mức khởi điểm 30.000 đồng/cổ phần, nhiều công ty chứng khoán nâng dự phóng giá lên gấp đôi mà không chút e ngại.
PVI Re, Vinaconex, PGBank, ABBank... là những công ty sẽ đánh cồng trên HOSE vào những ngày cuối cùng của năm.
Theo thống kê, có tới hơn 10 ngân hàng lên sàn, hoặc chuyển sàn thành công trong năm 2020 và ngay những ngày đầu năm mới 2021, sẽ là những cái tên như SHB, OCB...
Làn sóng niêm yết mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm được góp phần bởi lý do, năm 2020 là thời hạn chót các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Nhưng thực tế, vẫn có một số ngân hàng không phải chịu áp lực này vì đã niêm yết trên HNX như ACB, SHB, hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM như LPB… cũng thực hiện chuyển sàn qua HOSE. Nguyên nhân chính được giới phân tích đồng thuận là xuất phát từ nhu cầu tự thân của các ngân hàng, từ ý thức chủ động nắm bắt cơ hội mà thị trường vốn mang lại.
Thử phân tích trường hợp SHB, niêm yết trên sàn HNX từ rất sớm (2007) nhưng cổ phiếu của ngân hàng này cứ giao dịch làng nhàng suốt thời gian dài. Năm 2019, cổ phiếu SHB đã tạo sóng, tăng giá hơn 200% so với mức đáy và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quan sát của giới phân tích, những mục tiêu lớn hơn của ngân hàng này còn ở phía trước.
Tại sàn niêm yết HNX, cổ phiếu SHB có vốn hóa lớn thứ hai, chiếm 10,79% tổng giá trị vốn hóa sàn này. Tuy nhiên, HNX vẫn là “chiếu dưới”.
Chuyển sang HOSE, với việc cổ phiếu SHB nằm trong nhóm 25 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nếu tiếp tục duy trì được thanh khoản, SHB sẽ đáp ứng được các tiêu chí để xem xét vào rổ chỉ số VN30 và nhờ đó sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 10/2020, room cho nhà đầu tư nước ngoài còn lại của cổ phiếu SHB là 25,6%, mức đủ lớn để hấp dẫn các định chế tài chính nước ngoài bỏ vốn đồng hành cùng Ngân hàng.
Tương tự, với việc chuyển sang sàn HOSE vào ngày 9/12/2020, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, ACB có khả năng lọt vào các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead… và trở thành cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư dài hạn.
Một khi đã vào được rổ chỉ số (đặc biệt là VN30) thì thanh khoản sẽ tăng nhanh, bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số.
Theo chia sẻ từ Giám đốc Dịch vụ ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán, một điểm đáng lưu ý khác trước làn sóng niêm yết cuối năm 2020 là từ 1/1/2021, các bộ luật quan trọng sẽ chính thức áp dụng, trong đó, có quy định về các tiêu chí doanh nghiệp đại chúng, niêm yết khắt khe hơn.
Chẳng hạn, Luật Chứng khoán mới có quy định phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức.
Việc niêm yết hay chuyển sàn trên HOSE được nhiều đơn vị đặt làm mục tiêu giúp cổ phiếu được định giá lại, thanh khoản tăng cao hơn, từ đó thu hút nguồn vốn mới tốt hơn.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng khi thực hiện chuyển sàn/niêm yết cũng đi kèm kế hoạch tăng vốn. Giá cổ phiếu cũng vì hiệu ứng này đã tăng rất mạnh trước thềm chuyển sàn, niêm yết.
Trong khi đó, việc MCM lên UPCoM, dưới con mắt của giới phân tích, khi thị giá tăng sẽ làm đẹp báo cáo tài chính của cổ đông lớn Công ty, thậm chí gián tiếp là cổ đông nhà nước SCIC.
Bởi SCIC hiện là cổ đông lớn nhất tại Vinamilk, đơn vị gián tiếp sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu MCM.
Cơ hội huy động vốn
Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, niêm yết trên HOSE, với những điều kiện khắt khe hơn, có thể mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, có nhiều cơ hội tăng vốn hơn là lợi ích nổi bật nhất để các doanh nghiệp chuyển sàn.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Thuận Đức, song song với việc niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo nguồn tin từ Thuận Đức, sau khi lên sàn HOSE, một số nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có tập đoàn lớn quan tâm tới cơ hội bỏ vốn vào doanh nghiệp.
Nhận xét được đưa ra từ ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến trình niêm yết, chuyển sàn nhằm tận dụng tốt xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán. Bản thân họ nhìn thấy được các cơ hội mới khi nền kinh tế dần hồi phục, nên nhanh chóng huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất.
Mới đây, Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) đã tổ chức roadshow ngay trước thềm chuyển sàn niêm yết sang HOSE từ ngày 29/12/2020. Sự kiện nhận được quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, bởi lẽ VCG cũng là cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Với mức vốn hóa hơn 17.700 tỷ đồng tính theo giá đóng cửa phiên cuối cùng trên HNX, nhà đầu tư kỳ vọng, VCG sẽ sớm lọt vào rổ VN30.
Với mức vốn hóa hơn 17.700 tỷ đồng tính theo giá đóng cửa phiên cuối cùng trên HNX, nhà đầu tư kỳ vọng, VCG sẽ sớm lọt vào rổ VN30, đẩy thanh khoản tăng nhanh, bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số.
Một số nhà đầu tư tinh ý nhận ra rằng, việc chọn ngày niêm yết mới trên HOSE của VCG là ngày gần cuối tháng 12/2020 cũng rất khéo léo. Vì như vậy, VCG sẽ đáp ứng được đủ tiêu chí về thời gian giao dịch liên tiếp 6 tháng trên HOSE cho kỳ review tháng 7/2021.
Vấn đề tiếp theo để VCG vào rổ VN30 là đảm bảo được điều kiện tỷ lệ free-float tối thiểu 10%. Nếu không đủ sẽ xét thêm tiêu chí vốn hóa, đồng thời có thêm điều kiện về khối lượng giao dịch khớp lệnh và giá trị giao dịch khớp lệnh.
Kế hoạch của VCG là sau khi chuyển sàn, Công ty sẽ tính đến bài toán tăng vốn. Trước đó, VCG đã có Nghị quyết Hội đồng quản trị về tăng vốn với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu, nhưng căn cứ tình hình cụ thể để thống nhất lại.
“Dù gì cũng phải tăng đầu tư phát triển và trên cơ sở trúng thầu dự án lớn thì phải đảm bảo vốn chủ sở hữu nhất định”, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Công ty cho biết.
Chia sẻ trong buổi roadshow, lãnh đạo VCG cho biết, Công ty đang triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu ở những công trình trọng điểm quốc gia.
Với mảng bất động sản, Tổng công ty cũng đang thực hiện nhiều dự án, trong đó tái khởi động dự án quy mô lớn 173 ha Cát Bà. Quỹ đất của VCG hiện có 2.000 ha và mục tiêu của Tổng công ty là mở rộng lên 5.000 ha vào năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức – Phát triển khách hàng tổ chức SSI cho biết, việc trúng thầu nhiều dự án trọng điểm cho thấy vị thế của VCG trong ngành xây dựng.
Ông Đức kỳ vọng khi chuyển sàn qua HOSE có thể giúp VCG thu hút được nhà đầu tư nhiều hơn, nhất là quỹ đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, VCG chịu áp lực cải thiện hơn nữa về tính minh bạch, chất lượng quản trị, hiệu quả kinh doanh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: