Hàng loạt chung cư cao tầng được cấp phép xây dựng trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử, khiến dân số cơ học tăng cục bộ, kéo theo đó là những hệ lụy như tắc đường, quá tải hạ tầng kỹ thuật, quá tải trường học, bệnh viện… Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đang bộc lộ những bất cập khó có thể khắc phục...
Nhà cao tầng mọc san sát trên đường Tố Hữu. Ảnh: Linh Ngọc
Là một trong những khu đô thị mới đầu tiên của thành phố, quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu. Thế nhưng, sau một thời gian Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh ồ ạt xây dựng tổ hợp dự án nhà thương mại giá rẻ mang tên HH với 12 tòa chung cư cao từ 36 đến 41 tầng, Khu đô thị Linh Đàm đã mất hoàn toàn quy hoạch kiểu mẫu trước đó.
Ông Nguyễn Lâm, cư dân sống ở nhà N9 Khu bán đảo Linh Đàm cho biết: "Ngày trước ở đây không khí thoáng đãng, được bao quanh là hồ nước, cây xanh và dân cư không đông nên các điều kiện về điện, nước bảo đảm đầy đủ. Từ khi khu nhà HH Linh Đàm đi vào hoạt động, tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên bất kể giờ tan tầm hay không, nước sạch sinh hoạt không đầy đủ...". Một cán bộ công an phường Hoàng Liệt, phụ trách địa bàn chia sẻ thêm, 12 tòa nhà cao tới 40 tầng, với khoảng 2 - 3 vạn người, đông hơn cả người dân sinh sống trên địa bàn phường trước đây khiến lực lượng công an phường vất vả, phải kiêm nhiều nhiệm vụ.
Thực tế, không riêng gì Khu đô thị Linh Đàm, tình trạng nhiều nhà cao tầng mọc lên, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp diễn ra nhiều tại khu vực của thành phố. Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng, diễn ra trung tuần tháng 4-2017, nhiều đại biểu lo ngại việc cho xây dựng ồ ạt nhiều chung cư cao tầng đồng nghĩa với việc “gom” dân chứ không phải giãn dân ra khỏi nội đô. Đơn cử như các khu vực quanh tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Minh Khai thời gian qua đã có cả chục dự án chung cư cao từ 25 đến 35 tầng được cấp phép. Việc phê duyệt các dự án bất động sản dày đặc đang khiến tuyến đường trở thành nỗi khiếp sợ của người dân khu vực khi vào giờ cao điểm thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc. Một kilômét đường vào giờ cao điểm phải đi mất 20 đến 30 phút là chuyện thường ngày ở đây...
Thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong khu vực nội đô của thành phố hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch. Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên còn xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó vi phạm điển hình là xây dựng quá số tầng được cấp phép. Tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, quy hoạch nhà cao tầng hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng xã hội và kỹ thuật không tương thích với việc phát triển nhà ở. Trong một lần trả lời báo chí, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh, nếu Hà Nội không tính toán đến các vấn đề quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, bảo đảm cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường thì sẽ phải trả giá đắt trong thời gian tới.