Việc mua nhà hiện hữu hay nhà trên giấy đều có những ưu, nhược điểm nhất định.
Giới chuyên gia khuyên khách hàng nên căn cứ vào thu nhập, khả năng chi trả cũng như các yếu tố liên quan đến dự án và chủ đầu tư để đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau hai năm kết hôn, vợ chồng chị Hoàng Thu Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã để dành được khoảng 1 tỉ đồng, nay muốn mua một căn hộ 2 phòng ngủ nhưng đang đắn đo giữa việc mua nhà hiện hữu để thấy trực tiếp sản phẩm hay nên mua nhà dự án trả theo tiến độ để giảm áp lực tài chính.
Chị Quỳnh cho biết với số tiền hiện có, gia đình chị rất khó để mua được căn hộ hơn 2 tỉ đồng khu vực trung tâm.
Dù đã đi xem nhiều dự án đang triển khai xây dựng, hai vợ chồng vẫn chưa thực sự yên tâm về tiến độ và chất lượng dự án, kể cả những vấn đề khúc mắc có thể dẫn tới các vụ tranh chấp chung cư mà báo chí thường phản ánh thời gian qua.
Anh Nguyễn Mạnh An, môi giới bất động sản khu vực Hà Đông (Hà Nội), cho rằng lo ngại của khách hàng giữa việc mua nhà hiện hữu hay nhà ở hình thành trong tương lai là điều dễ hiểu.
Bởi thực tế đã cho thấy, nhiều dự án chậm tiến độ bàn giao nhà khiến mọi kế hoạch tài chính của người mua bị phá sản.
Nhiều dự án đã nhận tiền của khách hàng nhưng chưa biết bao giờ mới bàn giao nhà. Có trường hợp vợ chồng ly hôn vì dự án chậm tiến độ, thậm chí có người còn chưa được ở nhà mới đã qua đời.
Tuy nhiên, nếu mua nhà ở hiện hữu thì tiềm lực tài chính phải đủ mạnh mới có thể mua vì phải thanh toán một lần, cho dù đó là nhà ở xã hội hay nhà bình dân.
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, cho rằng cho dù mua những dự án hiện hữu (thị trường thứ cấp) hay dự án chào bán giai đoạn đầu (thị trường sơ cấp) đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Nếu mua trực tiếp từ chủ đầu tư, thì số tiền khách hàng bỏ ra sẽ theo tiến độ và gánh nặng tài chính cũng được giãn ra.
Thông thường, trên thị trường sơ cấp, người mua có ít nhất 2-3 năm để chuẩn bị dòng tiền của mình. Chưa kể, khách hàng sẽ được hỗ trợ kết nối vay tại các ngân hàng mà chủ đầu tư có mối liên kết cũng như sẽ được hưởng những ưu đãi về thời hạn thanh toán, lãi suất vay… Lúc này, khách hàng được giảm tải rất nhiều về mặt tài chính.
Nhược điểm của hình thức này là người mua chưa nhìn thấy căn nhà của mình. Nếu có rủi ro như chủ đầu tư không bàn giao được sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nhà ở trong 2-3 năm.
Theo bà Dung, đối với những người mua chưa chuyên nghiệp, họ cần có bộ tiêu chí. Trước khi mua phải thuộc nằm lòng bộ tiêu chí đó, vì những sản phẩm mua trong tương lai này có thể rủi ro.
“Rủi ro ở đây liên quan đến việc sản phẩm được giao không như kỳ vọng. Ngay cả khi khách hàng biết rõ vị trí của dự án, nhưng sau 2-3 năm cơ sở hạ tầng khu đó vẫn chưa được hoàn thiện như các chủ đầu tư hứa hẹn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho sản phẩm trong tương lai không như kỳ vọng”, bà Dung nói.
Đối với sản phẩm hiện hữu, ưu điểm của nó là người mua có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt và biết được chất lượng của căn hộ, cũng như những tiện nghi, tiện ích họ mong muốn.
Trên thực tế, có những dự án hình thành trong tương lai, tận 3-4 năm sau vẫn chưa có siêu thị, công viên, khu vui chơi trẻ con…
“Đương nhiên, nhược điểm là phải chịu gánh nặng tài chính”, bà Dung nhấn mạnh. Những nhà đầu tư thứ cấp thường yêu cầu người mua phải trả tiền ngay lập tức.
Tuy nhiên, hiện nay có một số ngân hàng sẵn sàng giúp khách hàng mua nhà với lãi suất vay cũng khá tốt.
Bà Dung tôi biết từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm so với lãi suất trước đây của họ và có thể sẽ duy trì ưu đãi như thế cho đến năm 2022.
“Tôi nghĩ đây cũng là lựa chọn cho những người mua muốn chắc chắn về sự đầu tư của họ”, bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, nguồn cung hiện hữu có nhiều sự lựa chọn hơn cho người mua. Thời gian qua, số lượng căn hộ chào bán mới rất thấp và dự báo cũng không nhiều trong giai đoạn tới để cho người mua lựa chọn, đặc biệt là ở phân khúc bình dân hay trung cấp.
“Trong năm 2022 cũng không có dự án nào ở phân khúc bình dân và trung cấp chào bán ra thị trường”, bà Dung cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: