Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol Việt Nam do Công ty cổ phần thương mại Hoa Kỳ làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 2/2009 tại khu B, Khu công nghiệp Nam Cấm trên diện tích 5 ha. Cho đến nay, chủ đầu tư mới hoàn thành xong hạng mục san lấp mặt bằng nhà máy và đã dừng thi công từ cuối năm 2010 đến nay. Đã sau 30 tháng, công ty chưa có đủ cơ sở chứng minh cho việc triển khai thi công dự án và đưa dự án đi vào hoạt động như hợp đồng gia công và lắp đặt nhà xưởng, hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị. Công ty cũng không làm thủ tục gia hạn tiến độ đối với dự án theo yêu cầu của Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam.
Nhiều năm qua, những dự án này là bãi đất trống. |
Đó chỉ là hai trong 16 dự án tại Khu công nghiệp Nam Cấm bị thu hồi trong tổng số 23 dự án bị thu hồi toàn khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An. Theo đại diện Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Nam Cấm, danh sách các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê lại đất gần như kín đối với diện tích đất sạch (đã giải phóng mặt bằng). Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư xong, nhiều doanh nghiệp chậm rót vốn thực hiện dự án, không báo cáo tiến độ góp vốn với cơ quan chức năng. Trong tổng số hơn 40 dự án đầu tư vào các khu A, B, C của khu công nghiệp Nam Cấm, có rất ít doanh nghiệp hoạt động thực chất, có hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng, thậm chí gần chục năm chẳng triển khai gì.
Siết chặt quản lý cấp phép đầu tư
Ông Phan Xuân Hóa – Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng, chính sự thông thoáng của luật đã tạo kẽ hở cho một số nhà đầu tư lách. Ông Hóa lấy ví dụ, trước đây khi nhà đầu tư muốn đăng ký thuê đất thì phải thẩm tra năng lực tài chính của dự án. Thế nhưng, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2006 lại quy định dự án có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng mới phải thẩm định. Điều đó có nghĩa, dưới 300 tỷ đồng nghiễm nhiên mặc họ, mà nhà đầu tư vào các khu công nghiệp ở Nghệ An chủ yếu dưới 200 tỷ đồng, thậm chí chỉ vài chục tỷ đồng. Vì thế, chiếu theo luật là phải cấp phép và kết quả là tình trạng dự án treo, trao tay chuyển nhượng ngầm đã diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc dư luận.
“Khi thu hút đầu tư, chúng ta tạo điều kiện tối đa cho họ nhưng lại thiếu cơ chế ràng buộc nhà đầu tư có những cam kết với cơ quan quản lý dự án. Nhiều nhà đầu tư lớn thường có khoản tiền đặt cọc để đảm bảo đầu tư ổn định. Đây là cách làm để sàng lọc những nhà đầu tư năng lực tài chính kém” – đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An phát biểu.
Găm giữ đất khiến tỉnh Nghệ An mất cơ hội trong thu hút đầu tư nhiều dự án lớn đầu tư thực chất, cán bộ cơ quan quản lý cũng mất thời gian công sức. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam “khẩn trương và kiên quyết xử lý các dự án chậm, kéo dài, chưa đầu tư, chiếm giữ đất để chuyển nhượng... theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế ở Nghệ An” (Thông báo số 323 - TB/TU ngày 6/9/2011 của BTV Tỉnh ủy).
Đã đến lúc Nhà nước phải nâng tầm địa vị pháp lý, chức năng và thẩm quyền của Ban quản lý các khu công nghiệp – khu kinh tế hiện nay, có như vậy, các ban quản lý mới có thể làm tốt hơn công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai đầu tư dự án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: