Bốn đối tượng được "nới"
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 8844 thực hiện các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN và công văn số 2956/NHNN-CSTT ngày 14/4/2011.
Đồng thời, văn bản cho hay, sau khi xác định tỷ trọng so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng được loại trừ một số nhu cầu cho vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thuộc chính sách an sinh, xã hội của Chính phủ thì 4 nhóm đối tượng sau có thể vay tín dụng ngân hàng.
Gồm: Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Và xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
Các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 sẽ được vay vốn (ảnh: S.Đào)
Chuyên gia: Chính sách tốt
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại đồng ý cao với văn bản này bởi không chỉ tạo điều kiện cho bên cung mà còn tạo điều kiện cho bên cầu.
Ông cho hay, ngay từ lúc có chủ trương thắt chặt tín dụng với khu vực phi sản xuất ông đã không đồng tình vì cho rằng cách làm đó nặng về tư duy bao cấp. Kinh tế thị trường không phân biệt thế nào là sản xuất và phi sản xuất mà chỉ coi đó là hàng hóa.
"Sản xuất chỉ có thể phát triển khi có tiêu dùng, nếu không cho người tiêu dùng - đối tượng cần nhà ở vay tiền thì nhà ở bán cho ai trong tình hình này?"- ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng cho rằng, việc thắt chặt tín dụng chỉ nên làm đối với những ngành nào cung vượt quá cầu. Không nên có chuyện phân biệt sản xuất và phi sản xuất trong BĐS, cho nên việc thắt chặt khiến cung cầu trở thành mất cân đối.
"Hiện các căn hộ cao cấp ế ẩm và phải dừng lại do không có vốn, nếu chủ đầu tư đề xuất ngân hàng cho vay để đổi thành nhà rẻ tiền thì có thể cho họ vay làm tiếp không? Họ chia đôi chia ba thành các căn hộ nhỏ thì cũng nên cho vay tiếp dù có thể không phải là hoàn thiện hết năm nay" - ông Liêm gợi ý.
Ông cũng phân tích, chúng ta chỉ nên cho vay dự án nào chắc chắn tiêu thụ được, nhà giá rẻ, căn hộ nhỏ chứ không cho vay rộng các đối tượng.
Còn ông Cao Sĩ Kiêm Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng hoàn toàn đồng tình với văn bản này và cho rằng, trước đây tất cả các giao dịch vay vốn đầu tư BĐS đều khoanh vào một nhóm phi sản xuất, giờ đã tách một số lĩnh vực ra khỏi nhóm phi sản xuất là sát với tình hình thực tế.
"Đối với dư nợ cho vay để sửa chữa bất động sản, các dự án xây nhà để bán như nhà thu nhập thấp, nhà cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các dự án sắp đi vào hoàn thiện cần vốn, quy định này tạo điều kiện để các ngân hàng đưa vốn vào các dự án này chính là phục vụ sản xuất, kích cầu cho thị trường" - ông Kiêm nói.
Ông cũng nhấn mạnh, xin lưu ý rằng, đây là thị trường đối với những người có nhu cầu thực. Việc tách các loại dư nợ này để nới lỏng tín dụng còn quản lý tốt được tính chất đầu cơ bất động sản.
Tuy vậy, ông Kiêm cũng cảnh báo, "đương nhiên việc các cá nhân đầu cơ vẫn có thể tìm cách lách, điều này theo tôi các ngân hàng sẽ có nghiệp vụ để kiểm soát".
Doanh nghiệp hồ nghi
Đón nhận thông tin này, về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ Hoàng Huy - đơn vị đang có hai dự án xây dựng nhà ở tại Hà Nội và Hải Phòng lại tỏ vẻ thờ ơ. Ông Hạ cho rằng, văn bản này chưa thể giải quyết được vấn đề gì cho thị trường BĐS giai đoạn hiện nay.
"Một trong bốn nhóm đối tượng được vay có các dự án có khả năng hoàn thiện từ nay tới 1/1/2012, điều này là thách đố với doanh nghiệp"- ông Hạ nói.
Ông phân tích từ nay tới năm đầu sang năm là khoảng thời gian quá ngắn, chỉ chuẩn bị xong thủ tục cho vay theo thông lệ đã hết tới 4 tháng mới được vay thì không thể nào nhóm đối tượng này có thể vay được.
Thứ nữa, nếu các dự án từ nay tới 1/1/2012 mà hoàn thiện được thì cũng chỉ còn là các hạng mục đơn giản, không tốn quá nhiều tiền cho công trình. Những dạng công trình này hiện tại theo ông Hạ là rất hiếm.
Ngoài ra, tuy văn bản có đề cập tới việc cho vay với đối tượng có nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở nhưng với mức lãi suất 23% hiện nay, ông Hạ cho rằng, sẽ chẳng ai dám vay mua thời điểm này. "Mức lãi suất phải khoảng 16-17% thì may ra người dân mới dám vay" - ông Hạ nhận định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: