Thông tin đó không những đã làm cho tình hình địa phương trở nên phức tạp, mà còn gây bất bình trong nhân dân và lãnh đạo chính quyền huyện đảo Phú Quốc.
Qua tìm hiểu vụ việc, thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, không có chuyện hộ dân chiếm đất rừng trái phép vẫn được đền bù tiền tỷ ở Phú Quốc.
Sự thật về nguồn gốc đất
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc cho biết việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án xây dựng đường trục Nam-Bắc đoạn Dương Đông-An Thới thuộc ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh mà một số báo đã phản ánh là không chính xác, huyện đã làm đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Khu vực đất đó, từ trước năm 1990, hộ dân đã vào đây khai khẩn, đầu tư trồng cây, cất nhà ở cố định và canh tác liên tục cho đến nay.
Năm 1998, quy hoạch lại đất đai trên huyện đảo Phú Quốc, các phần đất của hộ dân nằm trong rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc và được Ủy ban Nhân dân tỉnh ra Quyết định số 2163/QĐ-UB, ngày 18/6/1998 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K 475649.
Năm 2004, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc hợp đồng nhận khoán bảo vệ và trồng rừng, diện tích hơn 35 ha tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh.
Thay vì bảo vệ và trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc khoanh lại từng khoảnh, phân lô bán, với giá thấp nhất từ 3 triệu đồng đến 90 triệu đồng/lô.
Việc “phá rừng” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc gặp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều người dân ở đây. Vì họ đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để khai khẩn, trồng cây, có thành quả lao động nhưng không hề được bồi hoàn, gây bức xúc cho cư dân. Nhiều người đã “lỡ mua” đất của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, đến nay đành “ngậm bồ hòn làm ngọt.”
Tháng 12/2012, trên cơ sở Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đến năm 2030 và những căn cứ pháp lý khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 2597/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 thu hồi tổng diện tích 10.484.232,6m2 tại xã Hàm Ninh thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K 475649.
Vì theo Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phần diện tích đất này hiện nay không còn nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc. Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất thu hồi cho Ủy ban Nhân dân xã Hàm Ninh quản lý và đề xuất giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thực hiện dự án xây dựng đường trục Nam-Bắc đoạn Dương Đông-An Thới, huyện Phú Quốc thành lập hội đồng xác minh nguồn gốc đất, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân đúng trình tự, thủ tục pháp lý và quy định của pháp luật về đất đai.
Người dân bức xúc
Ông Trần Hoàng Tiếp, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (từ năm 1987-2004), cho biết trước đây, cư dân địa phương đa số làm nghề biển. Năm 1990, ông cùng với chính quyền địa phương phát động người dân làm nông nghiệp, thời điểm đó, chủ yếu trồng cây tràm, đào, xoài, tiêu và khai thác nguồn nước suối để sinh hoạt, cất nhà ở.
Còn theo ông Đặng Công Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh (trước đây là Phó trưởng ấp Rạch Tràm, nay là Bãi Vòng), chủ trương giao đất lại cho địa phương quản lý là đúng đắn.
Bà Tống Kim Ngọc thì bức xúc: “Tôi là người kinh doanh khách sạn ở thị trấn Dương Đông, từ trước đến giờ không hề làm ăn gian dối. Ấy vậy mà một số tờ báo nêu là tôi phá đất rừng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn, mua bán. Hơn hết, họ còn nói tôi xây dựng khu du lịch trên đất rừng chiếm trái phép và chống lại lực lượng thi hành công vụ là hoàn toàn vu khống, bịa đặt, làm cho gia đình tôi hoang mang, không làm ăn gì được, mất thu nhập, mất uy tín với nhiều người.”
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc khẳng định: “Việc các hộ dân, trong đó có bà Ngọc, được bồi thường là hoàn toàn có cơ sở, chúng tôi đã tiến hành thành lập hội đồng xác minh nguồn gốc đất đến 3 lần, thực hiện đúng trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ. Việc báo chí nêu bà Ngọc chống đối lực lượng thi hành công vụ là sai. Vấn đề này, sắp tới chúng tôi sẽ có hình thức xử lý, kiểm điểm đối với cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật.”
Bà Phan Thị Tý bức xúc hơn: “Nguồn gốc đất của tôi trước giờ không nghe ai nói tới, kể cả việc họ tự xác lập, giải tỏa, bồi hoàn và hiện gia đình tôi vẫn canh tác. Nhưng không hiểu sao, nguồn tin từ đâu mà báo chí nêu cả tên tôi chặt phá rừng phòng hộ làm cho gia đình tôi hết sức uất ức. Không chỉ làm mất uy tín bản thân, gia đình, họ còn đẩy gia đình tôi vào cảnh hết sức khó khăn khi giao tiếp làm ăn, vì người ta nói mình phá rừng là có tội với pháp luật nên muốn làm ăn gì họ đều từ chối.”
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất được cho là phá rừng phòng hộ trái phép được hưởng tiền tỷ của nhiều hộ dân ở đây là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ, ngoài việc các giấy tờ liên quan hợp pháp mà ngành chức năng thẩm định, thì các gốc cây lớn vẫn còn, chứng tỏ bà con đã canh tác ở đây rất lâu năm. Vì vậy, khi hay tin được Ủy ban Nhân tỉnh Kiên Giang thu hồi diện tích trong rừng phòng hộ để giao lại xã Hàm Ninh có chức năng thẩm định, giao cấp đất cho các hộ sinh sống lâu năm tại đây, một số hộ dân rất mừng.
Như vậy việc chiếm đất rừng trái phép vẫn được hưởng đền bù tiền tỷ ở Phú Quốc mà một số báo nêu trước đó là hoàn toàn không có cơ sở. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của người dân, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư vào huyện đảo, hướng đến một thành phố biển Phú Quốc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: