Việc áp dụng thuế phòng vệ với ngành thép đang thể hiện ra "tác dụng phụ" như giá thép tăng và bản thân trong nội bộ các doanh nghiệp ngành thép đã xuất hiện những tiếng nói không vừa lòng.
Bộ Công thương vẫn đang thu thập thông tin để đánh giá tổng thể, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng trong việc áp thuế phòng vệ với phôi thép nhập khẩu
Mới đây, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép cán dài nhằm hạn chế nguy cơ phôi thép và thép nguyên liệu ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, gây phương hại cho ngành sản xuất thép nội địa.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp thép nội nào cũng “vui”, trái lại còn có những phản ứng trái chiều do bất đồng quan điểm trong việc nâng thuế đối với thép nguyên liệu nhập khẩu. Sự “bất hòa” này chủ yếu xuất phát từ việc phản đối áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép, chứ không phản đối áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép dài.
Các doanh nghiệp này cho rằng, nếu áp thuế tự vệ đối với phôi thép sẽ đồng nghĩa với việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam, dẫn tới giá phôi thép trong nước sẽ tăng theo, từ đó sẽ phải phụ thuộc vào một số nhà cung ứng phôi thép trong nước.
Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy lớn, đó là thay vì bảo vệ thị trường, lại chỉ làm lợi cho một vài nhà cung ứng phôi thép lớn trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ vừa rơi vào thế phụ thuộc, lại vừa phải gánh chịu thêm chi phí, khiến giá thành sản phẩm tăng, từ đó làm tăng khả năng thua lỗ do phải giảm giá trong cuộc cạnh tranh.
Theo một lãnh đạo của CTCP Thép Việt, doanh nghiệp có công suất luyện phôi thép lên tới 1,5 triệu tấn/năm, việc áp thuế tự vệ đối với phôi thép không những chẳng có lợi gì cho nhà sản xuất phôi thép trong nước, mà còn gây tác động bất lợi liên đới cho một số ngành có liên quan như xây dựng, bất động sản… và suy cho cùng, người chịu thiệt nhất lại là người tiêu dùng. Như vậy, mục đích của việc áp thuế tự vệ có còn nhiều ý nghĩa?
Ai được lợi?
Trước đó, một số doanh nghiệp thép gồm Pomina, NatsteelVina, Thép Úc SSE, Thép Việt Đức và CTCP B.C.H cùng có kiến nghị gửi Thủ tưởng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét đình chỉ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu, đồng thời không chấp nhận áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 45% với phôi thép nhập khẩu, nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, độc chiếm thị trường.
Đơn kiến nghị này được gửi trong bối cảnh Bộ Công thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam hồi cuối tháng 12/2015, sau khi Bộ này nhận được đơn đề nghị của 4 DN là Thép Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang Thép Thái Nguyên và Thép Việt Ý về việc tăng thuế suất lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu.
Vụ lình xình trở nên “nóng” hơn, sau khi Bộ Công thương chính thức ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào ngày 7/3 vừa qua.
Trong khi đó, theo quan điểm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lợi ích ngành thép phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, các chính sách nhập khẩu và sản xuất nguyên liệu cần đảm bảo mục tiêu hướng tới phát triển ngành đồng bộ, khép kín và bền vững, thay vì chỉ “dậm chân” ở khâu gia công.
Phần lớn các doanh nghiệp phản đối đều làm cán thép hạ nguồn từ nhập khẩu phôi, chứ không sản xuất thép thượng nguồn.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho rằng, cần có nhìn nhận toàn cục để dung hòa lợi ích kinh tế, trong đó tập trung vào quyền lợi của các DN thép Việt Nam.
“Về lợi ích và tầm nhìn dài hạn, bền vững của ngành thép, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cạnh tranh bình đẳng, từ đó dẫn đến cách lựa chọn, quyết định của mỗi doanh nghiệp cụ thể thông qua đầu tư cho công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại trên thị trường. doanh nghiệp nên tránh tâm lý dựa vào sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, bởi điều đó không phù hợp trong thời hội nhập. Tuy vậy, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, Bộ Công thương vẫn nên có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa một cách hợp lý, phù hợp với các quy định của WTO để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước khác đã và đang sử dụng như một biện pháp hữu hiệu nhằm đạt hiệu quả trong việc bảo vệ sản xuất trong nước họ”, ông Sưa khẳng định.
Về “mối bất hòa” nêu trên, Phó chủ tịch VSA cho rằng, phần lớn các DN phản đối đều làm cán thép hạ nguồn từ nhập khẩu phôi, chứ không sản xuất thép thượng nguồn. Do đó, khi áp biện pháp tự vệ, họ không còn được nhập được phôi giá rẻ nữa nên có “phản ứng” là điều dễ hiểu.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam, đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên. Bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, bên chịu thiệt là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Đó là lý do các nước đều phải cân nhắc kỹ về lợi ích chung, trước khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng. Bộ Công thương sẽ tiếp tục thu thập thông tin để đánh giá tổng thể, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.