Ảnh minh hoạ
Từ cuối tháng 4 năm 2021, đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước, cùng với đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã, đang và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, nay, phải chịu tác động nặng nề hơn.
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Tuy nhiên hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 80% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.
Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát mà từ trước đó, các sàn giao dịch bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh đến càng làm những khó khăn đó thêm trầm trọng.
“Trong hoạt động kinh doanh của họ, sàn giao dịch, môi giới bất động sản luôn phải chịu đựng áp lực, cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cả những sự bất công đối với sàn giao dịch để có thể nhận được dự án, sản phẩm. Ngoài việc phải chứng minh năng lực kinh doanh, họ phải giảm phí hoa hồng, phí môi giới xuống mức thấp nhất, để cạnh tranh. Đồng thời còn phải chuẩn bị một lượng tài chính không nhỏ, thường dao động từ 30 -50 triệu đồng trên một căn hộ được nhận bán để nộp cho chủ đầu tư. Có những dự án, khoản tiền phải nộp này lên đến cả trăm tỷ đồng.
“Đây là khoản chi phí lớn nhất mà những tổ chức, cá nhân làm môi giới bất động sản phải đối mặt. Thông thường các sàn giao dịch đều phải đi vay và gặp rất nhiều rủi ro như lãi quá hạn vì tiêu thụ chậm… Nhiều sàn giao dịch bất động sản phải chịu cảnh thua lỗ, nợ nần bởi các khoản chi phí này.
Tệ hơn, nhiều sàn giao dịch sau khi đã hoàn thành bán sản phẩm cho dự án nhưng lại bị chây ì hoàn trả tiền ký cược, thậm chí cả tiền công môi giới. Điều này làm không ít sàn giao dịch bất động sản lâm vào cảnh khốn đốn, nhất là trong tình trạng giãn cách xã hội, hàng hoá không bán được, lại không có tiền tích luỹ để đầu tư, duy trì hoạt động… ”, ông Đính lý giải.
CHƯA TẠO ĐƯỢC NIỀM TIN VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Để khắc phục những khó khăn hiện nay, gia tăng nhận diện thương hiệu và duy trì kết nối với khách hàng theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, người môi giới nên thành lập các nhóm (group) trên Facebook hoặc Zalo để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư hoặc theo từng dự án cụ thể.
Việc đăng tải thông tin khách quan kèm hình ảnh, video hay infographic sinh động sẽ tạo được niềm tin vững chắc nơi khách hàng tiềm năng. Lợi thế quan trọng của hình thức này là có sự tương tác đa dạng từ nhiều người, nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau, tạo ra sự phản biện khách quan, giúp mỗi thành viên của nhóm rút ra được thông tin chính xác nhất có thể. Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà trong nhiều lĩnh vực khác nữa, việc xây dựng cộng đồng (community) được xem là phương cách bền vững, giúp cả bên bán và bên mua có cái nhìn tiệm cận nhất với thực tế.
Tận dụng tính năng livestream của nhiều ứng dụng, nền tảng mạng xã hội sẽ gia tăng sức thuyết phục, giúp khách hàng tiềm năng quan sát bất động sản một cách sinh động, xác thực nhất có thể. Phương thức này còn giúp khách hàng ở xa, không tiện di chuyển có thêm kênh tiếp cận dự án. Nếu làm một cách chuyên nghiệp, có ê-kíp hỗ trợ với các thiết bị chuyên dụng, cùng với việc người thuyết trình có kiến thức và kỹ năng giới thiệu tốt thì livestream sẽ là “vũ khí” rất lợi hại.
Hình thức podcast cũng nên được chú ý nhiều hơn bởi khách hàng chỉ cần nghe nội dung ở bất cứ nơi đâu, trong khi vẫn có thể làm các công việc khác. Trong tương lai gần, khi mà việc tìm kiếm bằng giọng nói trên các công cụ tìm kiếm trở nên phổ biến, bạn sẽ nắm giữ được lợi thế.
“Nhìn chung, các phương thức này hết sức tiện lợi, chi phí rẻ và nhất là an toàn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát”, ông David Jackson nhận định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, vấn đề hiện nay trong hoạt động môi giới bất động sản là chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
“Lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam tuy đông nhưng phần lớn đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà đất, trong đó có cả nhà ở xã hội.
Nhiều môi giới thì trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng dự án ma, bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính. Chính vì thế, dù có áp dụng công nghệ tiên tiến vào bán hàng thì nhìn chung các sàn giao dịch bất động sản vẫn khó đạt được hiệu quả do ít người tin tưởng mà xuống tiền mua nhà online”, một chuyên gia cho biết.
Trong quý 2/2021, tại Hà Nội có 1.094 giao dịch nhà ở thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước; tại TP. Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.Vẫn có các bất động sản, dự án bất động sản chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh được chào bán trên thị trường, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội; Giao dịch bất động sản sơ cấp khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản; Hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt là các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản tự do, không được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn khá phổ biến…(Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng) |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: