Việc tìm mua một mảnh đất để an cư lạc nghiệp là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, không nên nóng vội, cần phải có thời gian để nghiên cứu tổng thể thị trường cũng như chọn lựa những vị trí cụ thể. 7 kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp độc giả “tự tin” hơn khi mua đất thổ cư.
Tìm hiểu thông tin chung về khu đất
Việc đầu tiên nên làm khi quyết định mua một mảnh đất thổ cư là cần phải tìm hiểu thật kỹ khu đất đó thuộc diện như thế nào, đường xá có thuận tiện hay không, khu dân sinh có tốt không. Cuộc sống ở đó sẽ rất thuận tiện nếu như mảnh đất gần trường học, chợ, bệnh viện...
Ngoài ra, cần phải rất chú ý đó là các vấn đề về pháp lý như mảnh đất cần mua có nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa của khu vực hay không. Chúng ta cũng nên kiểm tra hồ sơ địa chính cấp xã, huyện hoặc Sở Tài Nguyên và Môi trường xem khu vực đó có dự án nào không.
Phải có sổ đỏ riêng
Vì đôi khi mảnh đất mà bạn đang xem là mảnh đất ảo, nằm trong sổ đỏ lớn. Ví dụ: bạn đi mua đất và được người bán giới thiệu mảnh đất 50m² (ghi trên sơ đồ). Bạn yêu cầu cho xem sổ gốc, họ cũng cho bạn xem, nhưng đó là sổ có diện tích lớn hơn 50m² (có thể là 100m² hoặc lớn hơn, nghĩa là phần đất mà họ rao bán là phần nằm trong sổ lớn này, và phần này chưa có tách sổ), họ sẽ lấy lí do đang chờ tách sổ, hoặc nói thẳng ra là “sổ chung”. Họ “gạ gẫm” bạn tiến hành việc mua bán bằng hình thức “giấy tay” (gọi là giấy tay, vì kết quả của việc mua bán đất này, bạn không nhận được sổ đỏ mang tên bạn, mà chỉ là một tờ giấy không có chứng thực của cơ quan nhà nước). Đến đây, chắc bạn đã hiểu rằng họ không có sổ đỏ riêng để “bán” cho bạn.
Điều đáng nói, khi bạn mua đất bằng những hình thức giấy tay, sổ chung, đồng nghĩa với việc đất của bạn lọt thỏm trong mảnh đất lớn, mà mảnh đất lớn này lại do người khác đứng tên, giống như bạn đang ở trọ vậy, nếu có chuyện gì xảy ra thì pháp luật không thể căn cứ trên hợp đồng giấy tay này để giải quyết giúp bạn. Nếu bạn lỡ đặt cọc, bạn có khả năng mất tiền, cho dù người mua có ghi trong hợp đồng đền 1 gấp 2 lần số tiền trên, bạn cũng khó lòng đòi lại được.
Lăn tay công chứng
Đến ngày làm “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Bạn nên yêu cầu “lăn tay tại phòng công chứng” khi bạn giao hết số tiền còn lại (giữ lại một bản)
Chỉ có đất đã có sổ riêng thì bên bán mới dám dẫn bạn đến phòng công chứng để lăn tay. Điều này, giúp bạn tránh được những trường hợp mà pháp luật không công nhận, đó là: “tránh được tình trạng mua bán dưới hình thức sổ chung, giấy tay”.
Hợp đồng mua đất phải có chữ ký của tất cả những người có liên quan
Khi mua đất, cần thận trọng trong những vấn đề liên quan tới hợp đồng mua đất như hợp đồng phải có chữ ký xác nhận của cả chồng và vợ (bên bán), bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình (xem trong sổ hộ khẩu gia đình) nhằm tránh tranh chấp về tài sản sau đó. Đặc biệt, hợp đồng này phải có xác nhận của cơ quan công chứng.
Đối với trường hợp đất là tài sản thừa kế, trước khi làm hợp đồng đặt cọc, các thành viên được thừa kế phải cùng ký vào biên bản đồng ý bán đất. Có như vậy bạn mới chắc chắn và không sợ tranh chấp giằng co.
Mảnh đất, nhà tạm không nằm trên hệ thống cống thoát nước
Có rất nhiều ngôi nhà cũ, nhất là ở những khu tập thể cũ ngày xưa vì nhiều lý do cơi nới, thay đổi hình dạng mảnh đất nên có những trường hợp mảnh đất nằm trên hệ thống thoát nước thải của khu. Đây là vấn đề rất đau đầu nó không những ảnh hưởng không tốt tới vấn đề phong thủy mà còn gây cản trở rất lớn khi bạn có ý định xây nhà, đào móng....
Phải tìm hiểu kỹ về địa chất mảnh đất
Đây là vấn đề vô cùng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nhà sau này. Các khu đất nằm trên các khu vực ao hồ lấp, địa chất nền đất yếu. Khi mua đất bạn cần tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Việc địa chất nền đất yếu dẫn đến rất tốn kém về chi phí gia cố nền đất về sau.
Lối đi vào không có tranh chấp
Trên thực tế ở những đô thị lớn có rất nhiều mảnh đất mà lối vào đang xảy ra tranh chấp chưa thể giải quyết. Rất nhiều gia đình cũng vì nguyên nhân này mà rao bán và nếu chúng ta không để ý, không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định mua và rồi sau đó mới phát hiện ra thì đã quá muộn. Đây là tình huống dở khóc dở cười mà rất nhiều người mua nhà gặp phải.