Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5, đứng) cùng đồng phạm tại phiên tòa
Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, ngoài đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở Công ty 1-5, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa còn nắm giữ quyền điều hành, chỉ đạo 3 công ty khác. Ngày 19-1-2010, Công ty 1-5 ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng cho Công ty CP Phát triển địa ốc CIENCO5 (gọi tắt là CIENCO5) vay 200 tỷ đồng để đưa vào một số dự án. Đổi lại, Công ty 1-5 được ưu tiên thực hiện hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A (thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội) với diện tích 55.000m2.
Ngay sau khi có thỏa thuận này, Bình lập tức chỉ đạo thuộc cấp huy động tiền đặt cọc mua quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ các cá nhân có nhu cầu với tỉ lệ 30% giá trị thửa đất. Và từ ngày 1 đến 4-2-2010, Công ty 1-5 đã ký được 7 hợp đồng mua QSDĐ, tương đương 12,3 tỷ đồng dưới dạng góp vốn vào công ty. Tuy nhiên, do Công ty 1-5 không thực hiện nghĩa vụ cho vay vốn đối với CIENCO5 nên chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà A lập tức xóa bỏ vai trò hợp tác nói trên. Mặc dù vậy, Bình và đồng bọn vẫn bưng bít thông tin tiếp tục sử dụng hợp đồng cho CIENCO5 vay vốn cùng một số giấy tờ thỏa thuận khác để “mồi chài” khách hàng.
Cụ thể Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Thoa thu thập các bản đồ quy hoạch sử dụng đất của dự án ngoài luồng đưa cho khách hàng lựa trọn vị trí và đăng ký mua. Tiếp đến, Thoa dùng kỹ thuật trong máy vi tính in thành nhiều trích lục vị trí lô đất khác nhau, rồi đưa cho cựu Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5 ký tên, đóng dấu. Sau đó, tài liệu này được kẹp vào hợp đồng “góp vốn” đem ra ký kết với những người có nhu cầu mua đất. Không chỉ sưu tầm bản đồ quy hoạch ngoài luồng, Bình và Thoa còn tự ý xé nhỏ các lô đất trong dự án Thanh Hà A ra thành nhiều mảnh nhỏ đem bán kể cả những lô đất nằm ngoài sự thỏa thuận ban đầu với CIENCO5.
Với thủ đoạn này, kể từ sau khi CIENCO5 hủy bỏ nội dung liên kết đầu tư đến ngày 12-4-2010, Bình và thuộc cấp đã ký tổng cộng 463 hợp đồng góp vốn (thực chất là mua QSDĐ tại dự án Thanh Hà A) với tổng diện tích hơn 80.000m2, tương đương hơn 789 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu của khách hàng, Bình cùng đồng bọn chia nhau, trả nợ và đưa vào 3 công ty của chúng. Trong hành vi lừa đảo này, mặc dù Nguyễn Mạnh Cường không bàn bạc với Bình và Thoa, song với cương vị tổng giám đốc, ông ta biết rõ thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn ký nhận hơn 11 tỷ đồng của những người mua đất.
Đối với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được xác định là Công ty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương ra đời (gọi tắt là Công ty xuyên Thái Bình Dương) vào năm 2007, dựa trên 5 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (gọi tắt là PVP Land) sở hữu 50,5% tổng số cổ phần. Năm 2009, Công ty xuyên Thái Bình Dương được cấp phép xây dựng dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Năm 2010, do dự án này gặp một số khó khăn nên PVP Land có chủ trương thoái vốn tại Công ty xuyên Thái Bình Dương. Thông qua sự môi giới của Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần của của doanh nghiệp này tại Công ty xuyên Thái Bình Dương. Để hưởng lợi cá nhân 10 tỷ đồng, Đào Duy Phong đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như nghị quyết của HĐQT công ty này ấn định cho Bình.
Với các hành vi trên, ngày 23-11 vừa qua, 5 bị cáo đã bị dẫn giải và triệu tập ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử. Vậy nhưng ngay sau khi khai mạc, phiên tòa đã buộc phải hoãn lại với lý do Nguyễn Thị Kim Thoa (được tại ngoại) và một số bị hại vắng mặt không có lý do. Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện một số khoản tiền và vật chứng chưa rõ ràng, cần phải được điều tra bổ sung.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: