(NoithatXHome.vn) Duy trì nghề truyền thống làm khăn xếp từ nhiều đời nay, thôn Giáp Nhất (Nam Định) được biết đến là làng nghề khăn xếp độc nhất miền Bắc hiện nay.
Hãy cùng Portfolio khám phá làng nghề này có gì độc đáo nhé!
Khám phá làng nghề khăn xếp Giáp Nhất
Đối với người Việt Nam, ngoài áo dài của người phụ nữ còn có bộ áo the khăn xếp được xếp vào hàng trang phục truyền thống, tạo nên nét văn hóa riêng, đậm chất Á Đông.
Ta thường thấy hình ảnh áo the khăn xếp trong những mùa lễ hội, đám cưới, mừng thọ… hay các cuộc giao lưu văn hóa trong và ngoài nước… luôn được người Việt khoác trên mình với niềm tự hào riêng biệt.
Khác với áo the – sản phẩm khá phổ biến trên thị trường, khăn xếp tuy là một phụ kiện đi kèm không thể thiếu với loại trang phục này nhưng lại rất hiếm nơi sản xuất.
Ít ai biết được rằng ở miền Bắc, hiện nay chỉ duy nhất có một nơi sản xuất đó là làng nghề khăn xếp Giáp Nhất.
Thôn Giáp Nhất nằm trên địa bàn thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định hơn 20km về phía Tây Nam. Đây là địa chỉ duy nhất tại khu vực miền Bắc cung cấp mặt hàng khăn xếp để phục vụ các lễ hội, lễ cưới xin, mừng thọ…..
Không ai biết làng nghề khăn xếp Giáp Nhất có từ bao giờ, cũng không có bất cứ một ghi chép nào về lịch sử hình thành làng nghề, không ai nhớ ông tổ của nghề là ai.
Người dân ở đây chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, làng đã có nghề này, ông cha của họ cứ đời này qua đời khác truyền lại cho con cháu sau này và cho đến ngày nay Giáp Nhất vẫn là nơi “giữ hồn Việt” vào những chiếc khăn xếp.
Theo số liệu thống kê, hiện nay ở thôn Giáp Nhất có khoảng 140 hộ làm nghề khăn xếp, có hình thành quy mô xưởng, mỗi gia đình sẽ đảm nhận một trong những công đoạn riêng, tạo ra một dây chuyền sản xuất mang tính tập thể.
Làng nghề khăn xếp Giáp Nhất thường sản xuất các loại khăn xếp như loại như khăn đen với 4 quấn, 7 nếp; khăn 5 quấn, 7 nếp; khăn 6 quấn, 9 nếp; khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng…tất cả các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay.
Sở dĩ phân chia ra nhiều loại như vậy bởi theo lời kể của các nghệ nhân làng Giáp Nhất, người xưa có để lại một lề lối cổ truyền về việc đội khăn xếp đối với đàn ông, ở tuổi khác nhau đàn ông sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau.
Như đàn ông từ 50 – 60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có chữ Thọ hay không đều được. Từ 70 – 89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, có chữ Thọ ở trên. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng, chữ Thọ ở trên.
Làng nghề khăn xếp Giáp Nhất – nơi lưu giữ nét “hồn Việt”
Khăn xếp gồm 3 loại: Khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được, mỗi loại khăn xếp này lại có một đặc điểm khác nhau.
Trước đây, người làng nghề khăn xếp Giáp Nhất thường dùng sa tanh cũ, vải lượt để làm, cốt khăn được làm bằng giấy. Sau này, họ sử dụng các chất liệu vải tốt hơn: lớp ngoài là sa tanh, gấm, nhung hoặc phi, bóng; lớp bên trong là vải sợi lót; cốt khăn làm bằng mút.
- Thăm làng nghề Tây Hồ – quê hương của những chiếc nón bài thơ Huế
- Độc đáo nghề làm trống của người Dao đỏ ỏ Tả Phìn, Sapa, Lào Cai
- Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo
Để làm được một chiếc khăn xếp, người thợ phải trải qua 7 công đoạn: cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa văn…
Hiện nay, thay vì làm thủ công 100% như trước kia, người làng nghề khăn xếp Giáp Nhất đã đưa máy móc về làm, thay thế bàn tay con người ở một số công đoạn và các hộ trong làng nghề đã phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất.
Làm khăn xếp tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Một chiếc khăn xếp đẹp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý.
Theo các nghệ nhân làng nghề khăn xếp Giáp Nhất, khăn xếp miền Bắc vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn khăn xếp miền Trung, miền Nam thì cách tân nhiều.
Điểm thứ nhất là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Điểm thứ hai là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng.
Một điểm khác biệt nữa cũng rất dễ nhận thấy đó là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.
Trung bình, mỗi chiếc khăn xếp có giá khoảng 20 nghìn đồng/chiếc. Trong đó, giá cao như khăn dân tộc, khăn chầu có giá 30.000 đồng/chiếc, rẻ nhất là khăn thọ màu đen giá 13.000 đồng/chiếc…
Dù giá thành không cao, thậm chí thu nhập chẳng đáng bao nhiêu so với các nghề truyền thống khác nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trì làm nghề bởi với họ, mỗi chiếc khăn xếp đều mang một giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc, còn quý hơn cả tiền bạc.
Đã có những thời điểm, làng khăn xếp Giáp Nhất tưởng chừng như sẽ mai một theo thời gian. Nhưng nhờ những nghệ nhân yêu nghề trong thôn mà cái nghề “giữ hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị “thất truyền”.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về làng nghề khăn xếp Giáp Nhất – làng nghề làm khăn xếp “độc nhất” miền Bắc hiện nay.
Trong các bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả những nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo trên các vùng địa phương khác nhau. Đừng quên theo dõi gotrangtri.vn và đặt yêu cầu tư vấn thiết kế nội thất bạn nhé!
545 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn