Ông Võ Trí Thành.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố nợ công của Việt Nam lên tới 110 tỉ đô la Mỹ đến cuối năm 2014. Ông nhìn nhận con số này như thế nào?
- Ông Võ Trí Thành: Cách tính này của WB không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nếu tính cả nợ của DNNN thì có nhiều người cho rằng nợ công phải trên 100% GDP. Theo tôi, muốn tính rủi ro của nợ công, thì phải tính nhiều yếu tố như hiệu quả của đầu tư công, của DNNN... chứ không chỉ mình con số đó.
Theo ông, rủi ro chính nằm ở đâu?
- Phải nhìn tổng thể vì các biến số này rất phức tạp, lan tỏa lẫn nhau. Ví dụ, Bộ Tài chính vay quốc tế 750 triệu đô la, rồi cho Vinashin vay lại, thì đấy là nợ công. Đến lượt mình, Vinashin huy động trong nước 10.000 tỉ đồng thì đó là nợ doanh nghiệp. Vinashin cũng vay nợ nước ngoài mấy trăm triệu đô la nữa. Đây là ví dụ điển hình cho thấy nợ công và DNNN quan hệ chặt chẽ với nhau.
Còn lĩnh vực nào rủi ro nhất ư? Tất cả đều chứa đựng rủi ro vì không phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Riêng về lĩnh vực ngân hàng, WB cho rằng, quy mô thực tế của nợ xấu vẫn chưa được làm rõ và nợ xấu vẫn là mối quan ngại chính. Ý ông thế nào?
- Tốc độ xử lý ngân hàng chưa như mong muốn. Trong giai đoạn đầu, tái cấu trúc nhằm ba mục tiêu. Thứ nhất là xử lý những ngân hàng yếu kém để đảm bảo an toàn, không gây đổ vỡ hệ thống. Thứ hai vẫn phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, dòng tiền, cung tiền. Thứ ba là xử lý nợ xấu.
Bước thứ nhất rõ ràng là đã làm được, tránh được đổ vỡ, ổn định kinh tế vĩ mô, và tạm gạt được đống nợ. Bước tiếp theo khó hơn nhiều, để xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về giám sát, minh bạch, thống kê, thông tin... Giai đoạn này phức tạp hơn vì các ngân hàng Việt Nam không đáp ứng được.
WB vẫn đánh giá Việt Nam tăng trưởng vào loại “nhất thế giới”. Ông có đồng ý quan điểm đó không?
- Nói về con số thống kê thì điều đó là đúng. Nhưng điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng đã bền vững hay chưa, quá trình cải cách như thế nào, những rủi ro và khó khăn của quá trình đó sẽ được xử lý ra sao. Cái đó mới quan trọng. Ông có thể xây tòa tháp cao nhất thế giới, nhưng hiệu quả của tòa tháp đó như thế nào?
Dù sao, tăng trưởng cũng quan trọng theo nghĩa bước đầu chúng ta phục hồi nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ hội nhập, nhờ cải thiện môi trường kinh doanh.
Tinh thần ổn định vĩ mô hiện nay như thế nào?
- Từ khi có Nghị quyết 11 đến giờ thì tinh thần đó vẫn gắn chặt với quá trình hoạch định chính sách. Tôi thấy được cả ba chuyện. Thứ nhất là về tư duy rất chặt chẽ, không buông lơi. Đó là quá trình lâu dài, là nền tảng cho cải tổ vì chỉ có ổn định thì nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả, không thì người ta đi đầu cơ.
Thứ hai là ổn định kinh tế đủ rộng, bao trùm, không chỉ riêng lạm phát mà còn nhiều hiệu ứng khác nữa như với cán cân thanh toán, thị trường ngoại hối, ổn định hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, cách điều hành có độ dung hòa, linh hoạt và vẫn kiên định với mục tiêu ổn định.
Vậy, vì sao bội chi năm 2013 lại lên đến 6,9% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 5% hàng năm?
- Những người điều hành gặp phải những khó khăn và áp lực về chi ngân sách. Áp lực đó xuất phát từ kinh tế suy giảm, nguồn thu không dồi dào như trước, và giá cả đã bị đội lên.
Áp lực đó đến từ chi cho kết cấu hạ tầng, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế. Nó đến nhiều hơn từ chi thường xuyên cho bộ máy. Rất khó có thể cắt giảm vì đó là vấn đề chính trị, xã hội, có tính gay gắt, quyết liệt. Đụng chạm đến quyền lợi của con người đâu có dễ. Quá khó, nên áp lực quá lớn.
Vì thế, trong thời gian qua, thách thức cho ổn định vĩ mô và phân bổ nguồn lực hiệu quả lại quá dựa vào chính sách tiền tệ. Các gói hỗ trợ đều là chính sách tiền tệ. Vì thế mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ khó khăn hơn rất nhiều, có quá nhiều mục tiêu trung gian như tỷ giá, lãi suất, tín dụng, cung tiền. Một chính sách có quá nhiều mục tiêu thì rất khó. Làm sao bắn trúng được nhiều đích khi chỉ có một mũi tên?
Ông có nghĩ rủi ro bất ổn sẽ lặp lại trong hai năm tới không, khi nhiều FTA có hiệu lực, như những gì Việt Nam trải qua sau khi gia nhập WTO?
- Sau hội nhập có rất nhiều sức ép để cải cách vì hội nhập hiện nay có nhiều chính sách sau đường biên giới, trong lòng quốc gia, thay vì các chính sách trên đường biên giới như xuất nhập khẩu. Nhiều người nước ngoài nói với tôi, Việt Nam hơi liều khi hội nhập quá nhanh. Nhưng, tôi tin là dân tộc mình có thể thích ứng được vì có khả năng học hỏi nhanh.
Liên quan đến câu hỏi, có những bài học học mãi nhưng không thuộc. Chẳng mấy ai không bị chi phối bởi tình cảm hứng khởi. Hứng khởi tạo ra nhiều lợi ích khác nhau, mà sửa được cái quá đà là vô cùng khó vì lợi ích chi phối quá nhiều rồi. Lúc hứng khởi các nhà hoạch định chính sách muốn mở cái này, cái kia rất nhanh; nhưng nếu họ không mở, bảo phải cẩn trọng, thì chính họ cũng lại gặp áp lực từ phía khác. Vì thế, họ phải hiểu biết và chịu trách nhiệm giải trình về những gì định làm.
Ví dụ mở thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng ý làm, nhưng việc đó còn phải gắn với năng lực quản lý. Lý do là cách can thiệp của Nhà nước trong thị trường tài chính và thị trường hàng hóa dịch vụ khác nhau. Độ mở, độ tự do trong thị trường hàng hóa dịch vụ có thể nhanh hơn so với năng lực quản lý; nhưng với thị trường tài chính thì khác, đây là thị trường cao cấp, tinh xảo, ma mãnh và tham lam; anh không nâng cao hiểu biết về kỹ thuật thì hỏng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: