Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mở rộng đô thị, ruộng đất làm nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực việc làm ngày càng lớn đối với lao động nông thôn, người di cư ra thành phố càng đông đúc. Số người này nếu không có vốn, không được học nghề do không đủ trình độ học vấn, không kiếm được việc làm dù là giản đơn trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) thì không còn sự chọn lựa nào khác là trở thành lao động phi chính thức ở nhiều khu vực kinh tế.
Nền kinh tế chủ yếu của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là nông nghiệp. Với đặc trưng cơ bản của cơ cấu thời gian mang tính thời vụ, vì vậy thời gian "nông nhàn" cũng là thời gian người nông dân tận dụng để kiếm thêm thu nhập từ họat động kinh tế phi nông nghiệp, lên thành phố kiếm việc làm thêm là khá phổ biến.
Cùng với việc ruộng đất bị thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cho các KCN - KCX hay những công trình khác, hiện nay có thể nói, nông dân là lực lượng "tiềm năng" của lao động phi chính thức tại các đô thị.
Chỗ trũng
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị.
Trong thời kỳ đô thị trung cổ các ngành kinh tế hầu không có sự phân biệt giữa "chính thức" và "phi chính thức", nhưng từ khi hình thành các đô thị thời cận đại vào cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn - Bến Nghé đã đồng thời làm hình thành và tách biệt hai khu vực kinh tế này. Sự thành lập những nhà máy, công sở, cơ sở dịch vụ công như bệnh viện, trường học... ở Sài Gòn thời Pháp thuộc tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một tầng lớp xã hội "làm công ăn lương", làm việc theo những luật lệ "hành chính" về giờ giấc và nhiều yếu tố khác. Có thể coi đây là sự hình thành tầng lớp "thị dân" - cư dân sống ở đô thị và làm những nghề nghiệp của đô thị, có lối sống thị dân khác với những người lao động khác ở thành phố.
Khu vực "kinh tế chính thức" tập trung ở trung tâm hành chính - quận 1, quận 3 hiện nay. Còn lại các khu vực khác của Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi phát triển thương nghiệp dịch vụ, xóm lao động, vùng Gia Định chủ ýếu là nông nghiệp... Khu vực kinh tế "phi chính thức" bao quanh khu vực "kinh tế chính thức" là hạt nhân của đô thị, là "vùng lõi" của quy hoạch kiến trúc thành phố. Đặc điểm này xuyên suốt sự phát triển của đô thị Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa cuối thế kỷ XX.
Sài Gòn còn trải qua một thời gian dài thời kỳ chiến tranh. Khác với Hà Nội (trong chiến tranh những người làm trong thành phần kinh tế chính thức - làm nhà nước - đều tản cư, sơ tán về nông thôn, hòa bình mới trở về thành phố, trong khí đó người làm kinh tế phi chính thức hầu như không bị bắt buộc đi khỏi thành phố), Sài Gòn lại là nơi người dân nhiều vùng nông thôn từ miền Trung, từ đồng bằng sông Cửu Long đổ vào thành phố.
Hầu như không có nghề nghiệp, không có hoặc ít vốn, họ tham gia vào lực lượng lao động phi chính thức bằng những công việc như buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, dịch vụ, lao động thủ công, chuyên chở bằng xe thô sơ... Địa bàn làm việc của họ, có thể nói khái quát, là "ngòai trời" gồm lòng lề đường, các công trường, chợ búa...
Sau năm 1975 một bộ phận người dân trở về quê quán, một bộ phận khác đi vùng kinh tế mới, khu vực việc làm phi chính thức thu hẹp. Cấu trúc kinh tế của thành phố chỉ còn "một thành phần" nên nhiều lọai hình kinh tế và việc làm ngòai quốc doanh trở thành "phi chính thức".
Khi kinh tế nước ta lâm vào thời kỳ khó khăn "trước đổi mới" và nhất là từ cuối những năm 1990 đến nay quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì thành phố lại như một "chỗ trũng" có thể dung nạp những dòng người "chảy" vào kiếm sống, phần nhiều tham gia vào hình thức "kinh tế vỉa hè".
Khu vực kinh tế phi chính thức càng mở rộng, phong phú đa dạng về lọai hình, cách thức họat động và ngày càng có đóng góp đáng kể phục vụ cho cuộc sống đô thị và cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự nhìn nhận của nhiều "người thành phố" đối với dân nhập cư, người bán hàng rong, trẻ đường phố vẫn có phần xem thường, thương hại, thậm chí họ còn bị coi là nguyên nhân chính làm cho thành phố chưa có nếp sống "văn minh đô thị".
Từ nông thôn mới lên hoặc sống ở thành phố chưa lâu, tầng lớp này được gọi chung là "dân nhập cư". Lâu dần sẽ trở thành / tham gia vào tầng lớp "dân nghèo thành thị" mà hiện nay dùng khái niệm mới là "nghèo đô thị". Địa bàn cư trú của những lao động này thường ở các huyện ngọai thành, quận vùng ven hay trong những khu hẻm sâu "nhà lá" ở các quận nội thành. Không có nghề nghiệp "được đào tạo" và không có điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề nghiệp nên phần lớn lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đều phải chấp nhận điều kiện làm việc kém, thu nhập thấp, không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công ích...
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành
Đặc biệt số lượng phụ nữ tham gia vào khu vực kinh tế này khá lớn, từ "buôn gánh bán bưng" đến công nhân tại KCN - KCX, từ giúp việc nhà đến làm việc trong quán xá, từ thợ hồ đến thậm chí làm xe ôm... Lao động nữ mang một trách nhiệm như "thiên chức", đó là luôn hy sinh, chịu thiệt thòi vì gia đình.
Cũng như cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có khá nhiều hoạt động, tổ chức tương trợ đối với người lao động tự do, trẻ em đường phố, dân nhập cư. Thế nhưng, quy mô và hoạt động của những tổ chức này vẫn chưa thật sự tạo được sự tiếp cận sâu sát, kịp thời đến đối tượng này và quan trọng hơn là chưa lôi kéo họ cùng tham gia các hoạt động tương trợ.
Phần lớn người lao động phi chính thức chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội mà vẫn thụ động, tự bảo vệ mình một cách kém hiệu quả. Với những đóng góp của lao động phi chính thức đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều rất cấp thiết.
Kinh tế vỉa hè
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong giai đọan lịch sử nào cũng rất nhanh, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng hiện nay quy họach của nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, việc xây dựng tự phát do người dân chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ quy họach của nhà nước, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư xen lẫn thương mại, khu sản xuất... là rất rõ.
Có thể dùng cụm từ "làng trong phố" để hình dung về tính chất văn hóa nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện cho lao động phi chính thức phát triển: từ việc buôn bán trong những chợ "chồm hổm" "chợ đuổi"... đến một "nền kinh tế vỉa hè": buôn bán cố định/ di động, sản xuất, dịch vụ... Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, "kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho thành phố còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.
Việc sử dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, thậm chí sản xuất, làm các dịch vụ như giữ xe... còn xuất phát từ chính nhận thức của người dân. Nhiều người dân thành phố có quan niệm vỉa hè, lòng lề đường thuộc sở hữu của chủ nhà có mặt tiền đường. Và để có một chỗ buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè trước mặt nhà không phải của mình đều phải được sự cho phép của chủ nhà và phải đóng một khoản tiền "thuê chỗ" hàng tháng.
Những năm gần đây, thành phố có chủ trương phát triển nhiều trung tâm để phân tán mức độ tập trung; ở nhiều quận do chưa hình thành các khu mua bán lớn nên lại bị phân tán theo các trục đường và lề đường. Quy hoạch khu hành chánh, trường học, chợ, cửa hàng... không theo khu vực "ô phố" đặc trưng của đô thị mà vẫn phân tán theo mặt tiền một số con đường chính nên làm việc gì người dân cũng phải "xuống đường". Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức phổ biến nhất ở TP Hồ Chí Minh là buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi với các loại hàng hóa giá rẻ. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.
Cùng với đó "Văn hóa mặt Tiền" trở thành "đặc trưng" mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh (Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và "đua nhau" ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó ở các nước thì mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân).
Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, quy họach và quản lý kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí làm cho hình thức kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá (đường Nam Kỳ khởi nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình);
Thứ hai, những đường cao tốc mới xây dựng lại không thể lưu thông với tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, không có khoảng lùi an toàn và cảnh quan cần thiết, làm giảm hiệu quả xây dựng và đầu tư;
Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố và phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của "cung và cầu", xe cá nhân phát triển thì người sử dụng còn nhu cầu mua bán ngay ở vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân. Các nhà quản lý và điều phối giao thông thấy được điều này nhưng khó mà giải quyết.
Không để người dân tự giải quyết
Ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nếu phương tiện giao thông công cộng phát triển, tiện lợi, phù hợp nhu cầu, tạo điều kiện cho người dân có thói quen sử dụng xe công cộng thay vì xe cá nhân, nhu cầu "mua bán nhanh tiện lợi" sẽ chuyển đến các đầu mối giao thông như bến tàu xe, trạm xe bus, ga xe điện ngấm, bãi giữ xe hơi... Có nghĩa là những trung tâm mua bán, dịch vụ... sẽ được thiết lập ở đó.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất "giao thông đô thị", bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của "kinh tế vỉa hè" tác động đến nếp sống văn minh đô thị? Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy họach đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. "Văn minh đô thị" sẽ có bộ mặt mới.
Mặt khác cũng cần thấy rằng, những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ hiện nay còn phù hợp với tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả... của phần lớn người dân thành phố.
Hơn nữa, nó còn được xem giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân nghèo, hộ thu nhập thấp, vì vậy cần tổ chức và tăng cường mạng lưới cửa hàng nhỏ lẻ trong các khu vực tập trung dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số dân cư. Cũng vậy, việc hạn chế và lọai bỏ các lọai xe thô sơ 3, 4 bánh - phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính tóan thấu đáo khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng nếp sống văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, lọai hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.
Trong việc này vai trò quản lý và điều phối của nhà nước là chủ đạo, không thể trông chờ người dân tự giải quyết mà chỉ có thể kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp và ý thức cộng đồng. Do đó, người nhập cư và vấn đề việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, bên cạnh góc độ kinh tế, góp phần tìm ra giải pháp cải thiện đời sống của cư dân và phát triển những lợi ích của khu vực kinh tế phi chính thức.
TS Nguyễn Thị Hậu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: