Người dân sống trong cảnh lo nơm nớp vì dự án “treo”
Khởi động rồi... để đó (?!)
Cụ thể, trong tổng số 15 dự án cải tạo nhà được “điểm danh”, chỉ có duy nhất dự án C7 đã xây dựng xong phần thô, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự án Nhà B6, sau khá nhiều năm di dời dân song mới hoàn thành phá dỡ, đang trong giai đoạn thi công phần ngầm và đang hoàn thiện... hồ sơ cấp phép xây dựng! Hiện nay, do Ngân hàng Habubank (nhà tài trợ vốn cho dự án) đã sáp nhập với Ngân hàng SHB nên chủ Đầu tư đề nghị được chuyển nhượng dự án cho Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex. Cách đó không xa, dự án cải tạo nhà D2 Giảng Võ, sau hơn 2 năm chậm tiến độ vì mắc GPMB, nay cũng vừa xong việc phá dỡ nhà cũ, chuẩn bị khởi công, xây dựng nhà mới. Đây đều là các dự án phá dỡ, xây dựng lại các nhà nguy hiểm cấp cao nhất (cấp D) theo quy định của Luật Nhà ở.
Còn lại, 12 dự án khác (nhà D3, D4, C5, C6, C4, C8...) vẫn đang mò mẫm ở giai đoạn... nghiên cứu lập quy hoạch. Đáng chú ý, đa số các dự án này đã khởi động việc “nghiên cứu” từ cách đây gần 5 năm nhưng kết quả tới nay vẫn là con số không. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn xác nhận, hiện nay, các đơn vị còn chưa thỏa thuận được các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng cũng như phương án kiến trúc sơ bộ... Khỏi nói cũng biết, hàng vạn người dân ở khu tập thể Giảng Võ sốt ruột như thế nào với từng ấy dự án “treo” trong gần 5 năm qua. Anh Lê Anh Tuấn, khu tập thể Giảng Võ tâm sự: “Nhiều năm nay, lúc nào chúng tôi cũng trong trạng thái phấp phỏng, chờ đợi. Đi cũng dở mà ở không xong. Anh bảo yên tâm thế nào được nếu không biết ngày nào được yêu cầu dọn đồ ra khỏi nhà?”.
Không khả thi
Vướng mắc lớn nhất ở các dự án này vẫn là chuyện cân đối quyền lợi giữa Nhà nước - chủ đầu tư (doanh nghiệp) - người dân. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, theo Quy hoạch chung Hà Nội đã được duyệt, khu vực lõi đô thị (4 quận nội thành cũ, trong đó có Ba Đình) cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người. “Các chung cư cũ đều tập trung tại khu vực này nên nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Việc đảm bảo bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho doanh nghiệp, cải thiện diện tích nhà ở cho người dân trong khu vực dự án, lại phải hạn chế tăng dân số... là không khả thi” - ông Tuấn thừa nhận.
Về mối tương quan người dân – doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đã phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là những đòi hỏi về quyền lợi. Đã vậy, sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan, các tổ chức đoàn thể ở địa phương với nhà đầu tư trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân càng khiến các bên liên quan lúng túng. Ông Tuấn dẫn chứng: “Trong quá trình GPMB, một số hộ gia đình cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những đòi hỏi không hợp lý, không phù hợp các quy định của pháp luật dù dự án đã được trên 2/3 tổng số hộ đồng thuận di dời...”.
Từng phải xử lý những dự án chung cư cũ kẹt GPMB, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình cho biết, chính quyền đã nhiều lần vận động, thuyết phục và giải thích song các hộ dân vẫn không hợp tác. Lãnh đạo quận cũng trực tiếp gặp gỡ, đối thoại nhiều lần nhưng không có kết quả, bởi có một số hộ dân yêu cầu chủ đầu tư mua lại căn hộ với giá cao hoặc đề nghị mức tiền hỗ trợ cao hơn quy định quá nhiều nên chính quyền và chủ đầu tư không đáp ứng nổi. Hệ quả tất yếu là dự án bị mắc kẹt, kéo dài, gây lãng phí, ảnh hưởng tới quyền lợi của các hộ dân đã di dời. Cực chẳng đã, cuối cùng, chính quyền buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời.
Thẳng thắn thừa nhận, gần 3 năm nay, các dự án “nâng đời” khu Giảng Võ cũng như cải tạo chung cư cũ nói chung trên toàn thành phố “không có bước tiến nào đáng kể”, Sở Xây dựng đề nghị TP chỉ đạo Sở QH-KT sớm công bố các thông số, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm cơ sở cho các nhà đầu tư lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ. Đồng thời, phải đề xuất những trường hợp có tính khả thi để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Ngược lại, những công trình không thỏa mãn các yêu cầu về quy hoạch kiến trúc, cần nhanh chóng được xem xét, kiến nghị thay đổi phương thức thực hiện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: