Để thực hiện dự án di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), năm 2007, UBND Tp. Hà Nội ký quyết định thu hồi 85.331m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ và giao cho UBND quận Hoàng Mai thực hiện ; trong đó, toàn bộ nghĩa trang Ao Đường nằm trong quy hoạch, phải di dời.
Người dân đã phản ứng khi phải di dời những ngôi mộ tại nghĩa trang Ao Đường để nhường đất cho dự án.
Có diện tích 2 ha, nghĩa trang Ao Đường được hình thành từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngay sau khi quyết định thực hiện dự án trên đất nghĩa trang được ban hành, người dân có tổ tiên chôn cất ở đó đã lên tiếng phản ứng gay gắt. Nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, ông Hoàng Đình Tiến, nói chua chát, việc di chuyển mồ mà để thực hiện dự án, tức "lấy đất của người chết bán cho người sống” thì có nên xem lại hay không?.
Theo người dân ở đây, nghĩa trang Ao Đường có rất nhiều ngôi mộ cổ vài trăm năm tuổi, ngoài ra còn rất nhiều mộ các anh hùng liệt sĩ, lão thành cách mạng...
Phản ánh của người dân nói rằng, trong lúc những kiến nghị của người dân xin giữ lại nghĩa trang chưa được giải quyết thì ngày 18/12/2009, quận Hoàng Mai đã tiến hành cưỡng chế, đập phá hàng chục ngôi mộ tại nghĩa trang Ao Đường. Chính vì lý do này mà các cụ cao niên, bô lão làng Hoàng Mai đã phải họp bàn, thống nhất dựng lều và luân phiên nhau canh mộ ngoài nghĩa trang từ đó cho đến nay, tránh trường hợp mồ mả bị cưỡng chế, đập phá thêm một lần nữa.
Ngày 20/1/2010, trước sự phản ứng của người dân, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ra chỉ đạo “dừng ngay việc bán đấu giá quyền sử dụng đất”, đồng thời Giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các sở, ngành, quận Hoàng Mai nghiên cứu ý kiến dân nêu, đề xuất phương án để thành phố xem xét quyết định.
Trong lúc chưa có quyết định của thành phố, UBND quận Hoàng Mai không được sử dụng các biện pháp hành chính với nghĩa trang. Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng đã giao quận Hoàng Mai chỉ đạo điều tra kết luận việc dân tố cáo đập phá mồ mả vi phạm Điều 246 Bộ luật Hình sự...
Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi là vậy, song đến nay, chủ trương di dời nghĩa trang này vẫn được giữ nguyên, mặc cho người dân kêu than, lo lắng về không gian tâm linh tồn tại hàng trăm năm nay bị phá vỡ.
Cũng theo thông tin từ người dân, quận Hoàng Mai cho rằng diện tích đất nghĩa trang bị thu hồi là đất lấn chiếm, trong khi người dân vẫn đang chứng minh quỹ đất này đã được UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ từ năm 1990.
Theo ông Nguyễn Đình Thuyết, nguyên cán bộ địa chính xã Hoàng Văn Thụ, thì bản đồ mà ông quản lý từ năm 1960 là đất canh tác của HTX trích ra làm nghĩa trang phục vụ xã viên, về bản chất quỹ đất làm nghĩa trang thực tế đã lấy từ đất canh tác của các xã viên HTX.
Ông Thuyết “đề nghị” chính quyền cho biết “HTX đã lấn đất của ai và ở đâu?”. Khi có dấu hiệu khuất tất trong việc “hô biến” đất nghĩa trang thành đất… lấn chiếm, ngày 16/7/2012, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký công văn 5484 “yêu cầu UBND quận Hoàng Mai giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân về nghĩa trang Ao Đường, làng Hoàng Mai”.
Kiến nghị từ phía người dân cho rằng, cơ quan chức nên điều chỉnh dự án di dân Đền Lừ III theo hướng để lại nghĩa trang Ao Đường.
Khu di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất nằm ở phía nam Hà Nội, phía bắc giáp đường quy hoạch 40 m (đường vành đai 2,5). Tổng diện tích khu đất khoảng 87.000 m2, quy mô dân số 4.200 người. Khu đất chia thành 10 ô, với các chức năng sử dụng như đất nhà ở cao tầng, thấp tầng, bãi gửi xe, công trình công cộng...
Trong đó, các công trình cao tầng quy mô lớn (17-20 tầng) được bố trí ở mặt đường 40 m. Theo quy hoạch, đối với nhà ở cao tầng, phải đáp ứng chỉ tiêu 25 m2 sàn/người. Đối với nhà ở thấp tầng, diện tích phải đạt 57m2 sàn/người.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: