(NoithatXHome.vn) Tranh làng Sình là một trong những thương hiệu nghệ thuật đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tranh ở đây không chỉ mang nét đẹp của văn hóa của làng của xã mà còn tượng trưng cho nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế thơ mộng và góp phần làm phong phú cho dòng tranh dân gian của dân tộc.
Hãy cùng chuyên trang Portfolio khám phá nét văn hóa đặc sắc xứ Huế qua nghệ thuật tranh làng Sình nhé!
- Cùng đến thăm làng nghề bánh pía Vũng Thơm tỉnh Sóc Trăng.
- Tinh hoa làng nghề đúc đồng Lộng Thượng với lịch sử hàng trăm năm.
- Tinh hoa sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề mộc Phúc Lộc (Ninh Bình).
1. Vài nét về làng Sình và lịch sử phát triển nghề tranh dân gian
Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế khoảng 8km, ở về phía hạ lưu sông Hương. Người dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay vì thế nghề in tranh làng Sình rất phát triển.
Theo truyền thuyết kể lại, thời Trịnh – Nguyễn, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa, mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản của làng quê mình để mưu sinh, tranh làng Sình ra đời từ đó.
Huế là mảnh đất của rất nhiều những tín ngưỡng văn hóa dân gian như lễ thờ cúng tổ tiên. Có lẽ do những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng, dùng để thờ, để hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.
Ngày nay, tranh làng Sình không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Huế. Ngoài ra, ngày nào làng Sình cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh lưu niệm. Đây cũng là một hoạt động quảng bá du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề. Và cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông.
2. Nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong các tác phẩm tranh làng Sình
Giấy in tranh là loại giống giấy in báo, màu là mua ở chợ, gồm có màu vàng, xanh, tím, đỏ sen, còn trắng thì để nguyên giấy mộc. Ván in bằng gỗ mít, họ tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Tranh in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu một số mảng.
Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ: Tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ thành cúng cho người mang bầu, tranh cúng cho con nít…Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị…
Mỗi bức tranh hoàn chỉnh là một khuôn gỗ, người làm tranh dùng mực màu đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy in thành một bức tranh thô. Đem phơi tranh cho khô mực, rồi tỉ mẫn dùng các loại màu tô lên tranh. Nét độc đáo ở tranh làng Sình là màu sắc, mỗi bức mang một nét riêng. Tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Bố cục màu được quy định chặt chẽ nhưng không hề đơn điệu bởi sắc màu tươi tắn cùng đường nét tự nhiên.
Tóm lại, mỗi bức tranh làng Sình đều mang cả tâm hồn của người nghệ nhân, đặt vào trong đó những nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của dân tộc. Giá trị tranh làng Sình sẽ luôn tồn tại dù cuộc sống hiện đại có phát triển ra sao đi nữa.
NoithatXHome.vn sẽ tiếp tục gửi đến quý độc giả những bài viết hay về văn hóa, thủ công mỹ nghệ truyền thống, cũng như cập nhật những xu hướng thiết kế nội thất mới nhất. Hãy theo dõi hàng ngày để không bỏ lỡ những bài viết hấp dẫn bạn nhé!
322 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn