(NoithatXHome.vn) Tục thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong kho tàng văn hóa của người Việt. Phong tục này được thể hiện dưới hai hình thức: đặt chó đá trên bệ thờ và chôn chó đá trước cổng nhà.
Vậy phong tục này có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng Portfolio giải mã những bí ẩn của tục lệ ăn sâu vào tín ngưỡng của người Việt này nhé!
Tóm tắt nội dung
1. Tục thờ chó đá bắt nguồn từ đâu?
Trong thế giới muông thú, chó là một trong những loài động vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm và trở thành vật nuôi quen thuộc trong mỗi gia đình, làm nhiệm vụ trông coi tài sản, bảo vệ chủ và trấn áp kẻ xấu. Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và quan niệm của người Việt nói riêng, chó là loài vật trung thành và đem lại may mắn. Chẳng vậy mà dân gian ta có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Trong tâm thức của người Việt, loài chó cũng có một ý nghĩa đặc biệt, biểu hiện rõ nhất thông qua tục thờ chó đá với những hình thức khác nhau tại nhiều địa phương khác nhau.
Tục thờ chó đá của người Việt có từ lâu đời (Ảnh: Internet)
Không riêng Việt Nam, tục thờ chó đã có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa và khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới. Theo các nhà nghiên cứu, tục này được cho là xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, sau đó những người di cư Ấn–Âu từ thời đồng thau đã mang tín ngưỡng này vào các nước Đông Á có truyền thống chăn nuôi và việc thờ chó cũng như ý nghĩa của tục thờ chó đá xuất phát từ vai trò của con chó trong đời sống xã hội của con người.
Chó đá được tôn như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà, thậm chí thờ và kính cẩn (Ảnh: Internet)
Với người Việt, tục thờ chó đá là một trong những nét văn hóa từ ngàn đời xưa, khá phổ biến ở các làng, xã nông thôn. Dân gian thường quan niệm rằng: Con chó nhà được thờ cúng với tư cách là hộ môn thú (thần canh cửa); những con chó bình thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá. Tục thờ chó đá của người Việt được biểu hiện dưới nhiều hình thức: đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh hoặc chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch….
Tuy nhiên, theo góc độ về phong thủy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi quyết định đặt chó đá trước cửa nhà, sau này gia chủ muốn dịch chuyển hoặc bỏ đi rất khó, vì đã xác định nuôi chó đá mà bỏ đi sẽ gặp phải nhiều vận đen nên việc chôn chó đá để trước cửa nhà phải được cân nhắc kỹ lưỡng và tiến hành một cách cẩn thận.
Ở một số nơi, chó đã được thay thế bằng chó gốm, sứ (Ảnh: Internet)
Ngày nay, ở một số nơi, tục thờ chó đá đã bị mai một. Người ta không chôn chó đá ở trước cửa như trước nhưng vẫn mua chó gốm, chó làm từ đồ sứ đẹp về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí. Tuy nhiên, một số dần bị thay thế bằng linh vật ngoại lai như sư tử đá hoặc tỳ hưu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
2. Tục thờ chó đá trong đời sống hiện đại
2.1. Nghiên cứu về tục thờ chó đá theo ghi chép trong sử sách
Bàn về tục thờ chó đá, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có ghi: “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng” ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa. Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh cũng từng nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”.
Ở một địa phương ở Huế, chó đá được tôn làm Thần Cẩu (Ảnh: Internet)
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia – Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết tục thờ chó đá của người Việt đã có từ lâu. Đây là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng.Từ thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Theo ông, chó đá là con vật gần gũi với đời sống văn hóa tinh thần cũng như đời sống tâm linh của người Việt, nên thay thế sư tử ngoại lai trong một số đình, chùa hiện nay là không hợp lý. Cụ thể, ông cho rằng: “Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại. Sư tử chủ yếu được người Trung Quốc dùng để canh lăng mộ. Mang sư tử về trước cơ quan, đình, chùa là việc học đòi mà không hiểu gì về văn hóa”.
Phía sau di tích Phủ thờ Tướng công Nguyễn Ngọc Trì cũng có 2 con chó đá châu đầu vào nhau (Ảnh: Internet)
2.2. Phong tục thờ chó đá theo từng vùng miền
Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Đáng nói đến là một số địa phương ở Lạng Sơn như: Tràng Định, Chi Lăng, Đồng Đăng, Khòn Lèng, Đồng Mỏ, Thất Khê, Đồng Đăng, Cao Lộc. Ngoài ra còn có một số nơi ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu. Ở Đan Phượng, Hà Tây (cũ) cũng ghi nhận tục thờ này, ở đây có hai nơi thờ phụng chó, một bệ thờ nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình.
Người dân nơi đây kính cẩn gọi đàn chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch. Mỗi khi có việc gì oan khuất, người dân thường đến trước bệ thờ Quan lớn Hoàng Thạch thắp nhang, kêu khấn và thề với nhau với niềm tin được chứng giám, soi xét; một bệ thờ chó đá khác nằm ở ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ.
Ở một số địa phương, người Việt vẫn lưu giữ tục thờ chó đá (Ảnh Internet)
Ngay tại thủ đô Hà Nội ngày nay cũng có nơi lưu giữ tục thờ chó đá như ngã tư Trung Hiền có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá. Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ). Ở đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây) hiện vẫn còn một đôi chó đá với vai trò canh giữ. Đền thờ Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch với sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô và xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, Miếu thờ thần Cẩu Nhi vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu. Nơi đây đời nhà Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu, trong văn hóa người Việt, việc thờ chó đá là có thực dù ít được ghi chép.
Trên đây là một vài thông tin sơ lược về tục thờ chó đá của người Việt. Ghé thăm gotrangtri.vn để đọc thêm nhiều bài viết về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt và đừng quên tìm hiểu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế nội thất nhà đẹp bạn nhé!
Xem thêm bài viết cùng chủ đề:
- Bạn có biết gì về lễ cúng vía trâu của người Thái ở Sơn La không?
- Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Sơn La
Nguyễn Thị Hoa – Tổng hợp nguồn Internet
248 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn