Đó là ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa – Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Đại biểu Nghĩa cho biết:
"Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật đất đai và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cơ bản tán thành cùng với Hiến pháp và sửa đổi Luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng góp phần giảm thiểu sự bức xúc của nhân dân bị dồn nén về khiếu nại đất đai mở ra nền tảng pháp lý cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện quyết định cho sản xuất nông nghiệp liên quan đến hàng triệu nông dân. Đồng thời đất đai là điều kiện sống, kinh doanh của tất cả mọi người, mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Về dự thảo Luật đất đai, tôi tham gia 3 vấn đề sau đây:
Một, về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Điều 48 đây là vấn đề nóng nhất hiện nay về công tác quy hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý.
Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay đều cho thấy công tác này còn nhiều bất cập. Nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản.
Thực tế vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Khoản 3, Điều 48 quy định 3 năm công bố dự án mà chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án, trường hợp cơ quan có thẩm quyền không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 48. Tôi thấy quy định này chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi của điều luật.
Với quy định này về phía người dân không thể thực hiện được, nếu không có quyền, không hợp tác, chẳng hạn người dân muốn bán nhà, nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không giải quyết vì quy hoạch chưa bị hủy thì làm sao người dân thực hiện quyền bán nhà. Đây là vấn đề thực tế rất vướng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét xử lý thì mới đảm bảo tính khả thi của luật.
Hai, về thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư tại Chương VI, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhân dân rất quan tâm, theo thống kê khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác này chiếm phần lớn số vụ khiếu nại, tố cáo hiện nay, điều cơ bản phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của ba chủ thể: người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền nơi thực hiện dự án về thu hồi đất quy định tại Điều 67. Tôi đồng ý với tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội không giao thẩm quyền này cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Song tôi đề nghị cần lưu ý trường hợp thu hồi đất liên quan đến nhiều hộ sinh sống, địa bàn có điểm đặc thù cần phải thông qua Hội đồng nhân dân.
Về định giá, trong thực tế rất phức tạp gây bức xúc và bất cập lớn nhất thời gian qua là việc quyết định giá thường không khách quan, dễ bị lợi dụng sinh ra tiêu cực. Tôi đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác, giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn. Một số nơi chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn. Một số khu tái định cư đã được lập nhưng không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Quy định của pháp luật về giải quyết tái định cư khá đầy đủ nhưng thực hiện chưa tốt, thậm chí một số nơi chưa quan tâm đến giải quyết dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài về phương án tái định cư cho từng trường hợp cụ thể cũng là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh khiếu nại. Người dân cho rằng bố trí tái định cư chưa hợp lý, chưa tương xứng với diện tích nhà đất bị thu hồi, từ đó phản ứng không chịu bàn giao mặt bằng. Để giải quyết căn cơ vấn đề này tôi đề nghị thiết kế quy định: Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc tại Điều 71.
Theo hướng trước khi tiến hành cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thuyết phục người dân phải có trách nhiệm chấp hành pháp luật nhưng đồng thời qua đó nếu phát hiện quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà vẫn còn vấn đề gì chưa rõ, chưa đúng, chưa thỏa đáng thì phải xử lý lại cho đúng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Trong công tác này chỉ khi nào đã tổ chức đối thoại và lãnh đạo của tỉnh đích thân xuống gặp dân, giải thích cho dân cặn kẽ, đảm bảo thỏa đáng mà người dân có đất bị thu hồi vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng thì hãn hữu mới tiến hành cưỡng chế. Đồng thời tôi cũng đề nghị cần quy định thêm tại điều luật này về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu cưỡng chế sai.
Ba, về vấn đề cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, chế độ sử dụng các loại đất, Chương VII, Chương X. Thực tiễn tôi thấy đây cũng là vấn đề rất phức tạp là dạng khiếu nại khá phổ biến hiện nay vì do quy hoạch treo, sơ sót của cơ quan chức năng khi cấp giấy chứng nhận, do quá trình giải quyết hồ sơ chậm, gây phiền hà sách nhiễu v.v... Nghị quyết số 30 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII quy định đến ngày 31 tháng 12 này là căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên trong thực tế khó khả thi
Về thủ tục cấp giấy càng phức tạp, rối rắm, một số địa phương quy định hạn mức đất và diện tích đất ở tối thiểu khi tách thửa chưa thực sự hợp lý. Có nơi đã xây nhà kiên cố, đã ổn định nhiều năm, nhưng khi xin cấp giấy vẫn không được công nhận đất ở mà ghi diện tích đất ngoài hạn mức là đất trồng cây lâu năm, gây bức xúc trong nhân dân.
Để khắc phục các vấn đề nêu trên, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, bảo vệ quyền của người dân về đất đai, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa Điều 142 theo hướng: quy định ngay trong luật về hạn mức đất ở tối thiểu và tối đa, đồng thời quy định hạn mức đất tối thiểu chia tách thửa đất ở trong phạm vi cả nước. Không nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định 2 nội dung này nhằm hạn chế các địa phương quy định khác nhau mang tính áp đặt làm cản trở quyền sử dụng đất của nhân dân.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị với Quốc hội thông qua Hiến pháp trước, sau đó mới chỉnh sửa và thông qua Luật Đất đai sẽ phù hợp hơn, đúng với ý nguyên của nhân dân".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: