Cục thuế TP.Hà Nội cho hay, sau khi công khai 357 đơn vị nợ thuế, đã có 205/357 đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 1.261 tỷ 326 triệu đồng.
Không chỉ bêu tên, Sẽ cương quyết hơn nữa!
Tính đến ngày 31/10/2015, sau khi công khai 357 đơn vị nợ thuế đã có 205/357 đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 1.261 tỷ 326 triệu đồng. Trong 31/40 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 821 tỷ 481 triệu đồng. Ngoài ra, có 174/317 doanh nghiệp sau công khai nợ tiền thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước 439 tỷ 846 triệu đồng.
Với kết quả trên, cục Thuế Hà Nội đánh giá Đã có không ít các doanh nghiệp trong danh sách công khai nợ thuế cũng như các doanh nghiệp nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào NSNN hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế.
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch quản lý nợ thuế, Cục Thuế TP.Hà Nội tiếp tục công khai đợt 5 năm 2015 danh sách 113 đơn vị nợ thuế đến 30/9/2015 với tổng số tiền nợ 212 tỷ 804 triệu đồng. Đại diện cục Thuế Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp công tác thuế năm 2015, đặc biệt đối với nhóm giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng. “Cục thuế sẽ có biện pháp thể hiện sự kiên quyết hơn nữa của cơ quan Thuế trong công tác quản lý nợ nhất là đối với những doanh nghiệp chây ì, không hợp tác, không thu xếp nộp tiền nợ thuế”, đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.
Cục Thuế Hà Nội cũng khuyến cáo các chủ dự án, doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế cần thu xếp nguồn tài chính và khẩn trương nộp nợ vào NSNN trước khi cơ quan Thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Nợ thuế là chuyện bình thường?
Tuy vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều khi doanh nghiệp không muốn gọi là chây ì khi nằm trong “danh sách đen”, bị bêu tên trên các phương tiện truyền thông. Theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản với số tiền nợ thuế lên tới hàng chục tỷ đồng trong danh sách nợ thuế, từ năm 2011 đến năm 2014, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn , không có nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án đã đầu tư, không thực hiện được phương án bán hàng và không có dòng tiền để hoạt động.Các dự án đầu tư thì dở dang và gặp nhiều vướng mắc, doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép nợ vay và sức ép rất lớn từ khách hàng. Bởi vậy, doanh nghiệp không có được nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong năm 2012 và các năm tiếp theo, khi thị trường lao dốc, doanh nghiệp kiệt quệ.
Một doanh nghiệp khác thì cho rằng, hiện nay giới truyền thông thường nhìn vào bảng bêu tên để đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp rồi đẩy sự việc lên thái quá. “Việc này đôi khi không có lợi cho chính ngân sách. Bởi với cách hiểu như hiện nay thì nợ thuế thì doanh nghiệp có vấn đề, qua đó sẽ tác động tới doanh thu của doanh nghiệp nên sẽ khiến việc nộp thuế khó khăn hơn. Phải nhìn nhận rằng, nợ thuế cũng nên hiểu là chuyện bình thường, chỉ trốn thuế mới nặng, mới vi phạm pháp luật”
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: