Nhằm tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, mới đây Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS với các giải pháp trong đó có việc kiên quyết không cho triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị.
Kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS – Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, thị trường BĐS nước ta đã có bước phát triển quan trọng, nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công trình dịch vụ, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở và nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển với nhịp độ cao, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong năm 2011, giá cả giảm, đặc biệt là giao dịch trầm lắng.
Thị trường BĐS đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định, thể hiện qua các mặt sau: Tình trạng phát triển đô thị và các khu nhà ở chưa có quy hoạch, kế hoạch, tự phát, chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội; giá cả hàng hóa BĐS, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn, tình trạng đầu cơ, kích giá còn phổ biến; hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở...
Để khắc phục những khiếm khuyết, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS với các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh BĐS theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh BĐS; tăng cường công tác quản lý, định hướng và kiểm soát thị trường BĐS, nhất là thị trường nhà ở hàng hóa thông qua cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển hàng năm, năm năm và dài hạn.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở; kiểm tra việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (quỹ đất 20%) trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, ưu tiên phát triển các căn hộ có quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp.