Đánh giá dư địa chính sách tiền tệ còn ít, tài khoá gần như hết trong khi nguồn dự trữ ngoại tệ hạn hẹp, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng lãi suất thời gian tới có thể tăng nhẹ nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế.
Tại hội thảo thích ứng nhanh với thay đổi diễn ra ngày 1/7, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện nay Chính phủ đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính nên không hỗ trợ được nhiều về lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về dài hạn thì phải kiểm tra dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa,… Chẳng hạn muốn giảm lãi suất, Việt Nam phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng muốn thế phải có dư địa chứ không thể in thêm tiền.
Ông Nghĩa phân tích thêm, Trung Quốc có dư địa tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao, Mỹ cũng vậy. Trong khi Việt Nam tỷ lệ này chỉ có 3% nên không xuống được nữa, bên cạnh đó tài khóa cũng không còn dư địa và chính sách tiền tệ còn rất ít.
Ngoài ra, nguồn lực dự trữ ngoại tệ của Việt Nam khá hạn hẹp, hiện chỉ khoảng 35-36 tỷ USD. Với số dự trữ này, nếu lỡ có thiên tai, dịch hoạ... thì chỉ đủ dùng trong 10 tuần nhập khẩu. Đây là vấn đề khá nguy hiểm. Bên cạnh việc kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn trong chu kỳ ngắn thì sự kiện Brexit có thể làm tình hình khó khăn hơn.
Ông Nghĩa cho rằng, khó khăn về tài chính đang từng ngày áp lực lên nguồn vốn đầu tư sản xuất, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, không thể bắt ngân hàng tăng tỷ lệ dư nợ lên cao bằng mọi giá vì họ cũng đi vay để hoạt động. Lâu nay chính sách đầu tư khuyến khích được áp dụng bằng cách đẩy chính sách phát triển đầu tư ngân hàng nhà nước sang ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại phải chịu rủi ro nên lảng tránh, từ chối hoặc trả lời không, dẫn đến các chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, tàu sắt… vẫn “án binh bất động”. Theo ông Nghĩa, sắp tới nguồn vốn cho doanh nghiệp còn khó khăn hơn vì lãi suất có thể tăng trở lại, song mức tăng không đáng kể.
Tuy nhiên, ông Nghĩa đánh giá, trường hợp lãi suất tăng, kinh tế Việt Nam không quá ảnh hưởng vì lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng đi xuống và lãi suất bình quân liên ngân hàng ở mức thấp.
Tiến sĩ Nghĩa cũng cho rằng, khó khăn về tài chính buộc doanh nghiệp phải có những ứng phó hiệu quả, đồng thời đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định chiến lược cho 10 năm tới, hướng đến mục tiêu, không chạy theo thành tích, các con số tăng trưởng ảo mà là tăng trưởng thực chất.
Lãi suất được dự báo sẽ tăng nhẹ thời gian tới.
Năm nay Việt Nam sẽ dự kiến tăng trưởng trên 6% và sẽ không cố bằng mọi giá để nâng cao thêm vài %. Chủ trương lớn của Chính phủ là sẽ dành thời gian và nguồn lực để tái cấu trúc lại nền kinh tế một cách cơ bản và bền vững, nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế thực.
Theo ông Nghĩa, thời gian tới phải xử lý nợ xấu ráo riết để duy trì lãi suất thấp, trở lại cơ chế nhận tiền gửi và cho vay USD bình thường với điều kiện các ngân hàng thương mại tự chịu trách nhiệm. Song song đó là không kiểm soát tín dụng cực đoan; không vội vàng đưa tỷ lệ rủi ro của bất động sản lên 250% hay là tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên dài hạn xuống ngay 40%. Tất cả phải làm từng bước một.
Để thích ứng với tình hình trên, vị chuyên gia này khuyến nghị doanh nghiệp nên đầu tư trên nền tảng tài sản, mạnh dạn gia nhập thị trường chứng khoán, buôn bán doanh nghiệp để phát triển, chú trọng đào tạo nhân lực cấp cao, xây dựng đội ngũ marketing chuyên nghiệp,… tập trung nguồn lực vào khu vực tạo ra lợi nhuận dài hạn.