Cũng từ đây, hàng loạt các dự án, khu dân cư tự phát hình thành cùng những khu dân cư quy hoạch. Khảo sát tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Long Xuyên giai đoạn 2002 - 2004 phát sinh bốn khu với diện tích khoảng 3,5 ha do các tập thể đầu tư; giai đoạn 2005 đến nay có 21 khu, quy mô khoảng 22,73 ha gồm chín tập thể và 12 cá nhân là cán bộ, công nhân viên các đơn vị hợp tác tạo quỹ đất, cá nhân tự sang nhượng hoặc có đất nhà tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm sang đất ở và xây dựng nhà ở.
Ngoài ra còn có 40 điểm dân cư khác với tổng diện tích khoảng 10,05 ha (nằm trong các khu dân cư hiện hữu) do các hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo phương thức tách thửa, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Quá trình kiểm tra 23 trong số 25 khu đất, đã phát hiện hai khu chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và không có hồ sơ lưu là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (phường Ðông Xuyên) và khu dân cư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (phường Mỹ Hòa). Có 18 trong số 21 khu còn lại phát triển không có chủ trương của UBND tỉnh. Ðiều đáng nói là tất cả các khu dân cư nói trên đều không có dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, 16 trong số 21 khu dân cư chưa thực hiện đúng, đủ các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi người xin chuyển mục đích sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) mà sử dụng GCNQSDÐ của chủ cũ để tách thửa, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng. Thế nhưng, hầu như tất cả các khu dân cư tự phát nói trên vẫn được các phòng chuyên môn xác định đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở và tham mưu UBND thành phố Long Xuyên cấp GCNQSDÐ. Thậm chí có 16 trong số 21 khu dân cư không phù hợp theo quy hoạch chung đến năm 2020 theo Quyết định số QÐ 458/QÐ-UB.QHXD của UBND tỉnh An Giang.
Vì sao các phòng chuyên môn, UBND các phường lại chấp thuận tham mưu UBND thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hình thành các khu dân cư trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch phát triển chung của thành phố Long Xuyên mà UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, như dự án Trường Dân tộc nội trú tỉnh (phường Ðông Xuyên) được UBND tỉnh An Giang lên quy hoạch từ năm 2002. Vậy nhưng, cũng giai đoạn 2002 đến 2007, dự án này có đến sáu hộ xin chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 22 nghìn 612 m2; trong đó đất nằm trong dự án xây trường là 15 nghìn 466,3 m2 thuộc đồ án quy hoạch đất cây xanh - vườn hoa và đường vành đai. Nhưng phường Ðông Xuyên, phòng Quản lý phát triển đô thị thành phố vẫn tham mưu cho UBND thành phố Long Xuyên phê duyệt, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Hoặc như hai dự án Khu dân cư nằm trên địa bàn phường Mỹ Quý là Khu dân cư Xẻo Trôm 5 và Khu dân cư Tân Phú, dù không thuộc diện quy hoạch phát triển thành các khu dân cư nhưng vẫn được Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý phát triển đô thị thành phố xác nhận hồ sơ đủ điều kiện chuyển QSDÐ và tiếp tay cho các hộ dân, đơn vị chuyển mục đích sử dụng, hình thành khu dân cư khi các điều kiện hạ tầng chưa bảo đảm. Hàng loạt những vi phạm tại các khu dân cư khác cũng đã khiến quy hoạch chung của UBND tỉnh An Giang đối với thành phố Long Xuyên gần như phá sản. Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ai sẽ chịu trách nhiệm và việc phá vỡ quy hoạch nói trên sẽ khiến việc định hướng phát triển thành phố Long Xuyên, trung tâm tỉnh lỵ của An Giang sẽ ra sao trong giai đoạn tiếp theo?
Có hay không sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những người đứng đầu trong bộ máy quản lý nhà nước của thành phố Long Xuyên khi để vụ việc diễn ra trong thời gian dài và sai phạm là có hệ thống nhưng chậm xử lý.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: