Sự xuất hiện của mô hình đô thị ĐH trên thế giới
Các trường ĐH hiện nay ngày càng mở rộng về quy mô, chưa kể tới xu hướng liên kết, sáp nhập giữa các trường tạo thành những cụm ĐH có diện tích tương đương một thị trấn.
Do đó, khái niệm đô thị ĐH đã ra đời. Đô thị ĐH được định nghĩa là một cộng đồng hoàn chỉnh xung quanh trường ĐH, với quy mô dân cư từ 5-10 vạn người, đảm bảo môi trường học tập - nghiên cứu tốt cho sinh viên, có chỗ ăn ở và phương tiện giao thông thuận lợi. Có thể kể đến các khu đô thị ĐH nổi tiếng trên thế giới như Bologna của Ý, Cambridge và Oxford của Vương quốc Anh…
Trên thực tế, nhiều khái niệm tương tự đô thị ĐH được sử dụng như thành phố ĐH, thị trấn ĐH, khu ĐH, cộng đồng ĐH… Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có “làng ĐH” ở Thủ Đức. Tất cả đều có đặc điểm chung về cấu trúc, gồm hạt nhân trung tâm là các trường ĐH và các khu chức năng tổng hợp phục vụ cho cộng đồng đô thị ĐH, cùng với hệ môi trường sinh thái tương ứng.
Chức năng chính của đô thị ĐH là cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho các trường ĐH và cao đẳng, các cơ sở an sinh xã hội và hậu cần, theo một cơ chế quản lý thống nhất. Có thể nói, đô thị ĐH mang đặc thù riêng biệt, đòi hỏi nhiều yêu cầu phức tạp từ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cho đến vận hành.
Ở Việt Nam hiện nay, ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) được công nhận là khu đô thị ĐH đầu tiên của cả nước, hội tụ những đặc điểm cơ bản của mô hình đô thị ĐH quốc tế.
ĐHQG-HCM trong lộ trình xây dựng đô thị ĐH
ĐHQG-HCM nằm ở vị trí đặc thù, giữa TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL, sẽ đóng vai trò tương tác mạnh mẽ với ba vùng tiếp cận. Trên tư duy đó, chính quyền TPHCM kết hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đã quyết định xây dựng khu đô thị ĐHQG-HCM tọa lạc tại khu Đông Bắc thành phố, gồm Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức.
Khu đô thị ĐHQG-HCM sau khi hoàn thành sẽ gồm 05 khu chức năng lớn: Khu hành chính - dịch vụ, khu đào tạo, khu nghiên cứu - chuyển giao công nghệ bao gồm khu phần mềm và công viên khoa học, khu ký túc xá, khu thể dục thể thao. Hai khu vực chuyển giao công nghệ được quy hoạch nằm vị trí mặt tiền tiếp giáp với địa phương, hướng đến việc triển khai ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng. Khu chuyển giao thứ nhất hướng về Khu Công nghệ cao TPHCM và khu thứ hai tỏa về phía Bình Dương - Đồng Nai.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng khu đô thị ĐHQG-HCM kiểu mẫu gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguồn vốn bồi thường - giải phóng mặt bằng. Hiện tại, nguồn giải ngân hằng năm vẫn chậm, gây ra bị động trong công tác chi trả. Được biết, nguồn kinh phí này khá lớn, là 1.631,5 tỷ/4.860,5 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng kinh phí đầu tư.
Theo nhận định của TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, ĐHQG-HCM vẫn đang quản lý và vận hành như một tổ hợp gồm nhiều trường thành viên hoạt động riêng rẽ và phân tán. Thậm chí nhiều trường thành viên còn xây dựng cổng rào rất kiên cố và hoành tráng. Phần ranh giới với khu dân cư xung quanh hoàn toàn tự phát, kém an ninh. Hệ thống giao thông cũng chưa rõ ràng và thuận tiện.
Phản hồi ý kiến này, ông Mai Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm quản lý và Phát triển Khu đô thị ĐHQG-HCM cho biết: “Hiện tại, khu đô thị ĐHQG-HCM đúng là chưa hoàn chỉnh về giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, người dân còn sống xen kẽ. Do đó, việc thiết lập hàng rào là cần thiết. ĐHQG-HCM đã định hướng các đơn vị không xây hàng rào mà làm hàng rào kết hợp cảnh quan như cây xanh dây leo… sao cho phù hợp với thiên nhiên và hài hòa với kiến trúc, quy hoạch địa phương”.
Từ nay đến năm 2020, ĐHQG-HCM đặt ra mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, để tạo tiền đề xây dựng và kêu gọi đầu tư. Giai đoạn tiếp theo, ĐHQG-HCM sẽ thiết lập các tiêu chí của khu đô thị thông minh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương (Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai) và quá trình tiếp ứng nguồn vốn đầu tư liên tục từ các ngành, các cấp. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: