Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi đến Phòng Công chứng số 2 (quận 5, TP HCM). Bà Lại Thị Nhung (phường 10, quận 5) đang thẫn thờ bước ra sau khi bị công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng mua bán nhà do trưng ra “giấy trắng” (giấy tờ hợp lệ về nhà đất).
Có “giấy hồng” mới chứng
“Tôi đã thỏa thuận xong giá cả với bên mua nhà nhưng khi ra đây, công chứng viên nói Luật Đất đai 2013 không cho phép công chứng hợp đồng mua bán nhà có “giấy trắng”. Muốn giao dịch mua bán thì phải đi đổi sang “giấy hồng” (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở)…” - bà Nhung kể.
Theo bà Nhung, do đang cần tiền gấp để lo chuyện làm ăn nên phải bán nhà. Nếu đổi sang “giấy hồng”, người mua phải chờ. Như vậy, người cần bán và người muốn mua đều lỡ dở. “Giấy trắng hay hồng đều do nhà nước cấp, sao phải gây khó cho dân như vậy?” - bà Nhung than phiền.
Ông Phan Văn Cheo, công chứng viên Văn phòng Công chứng (VPCC) Sài Gòn, cho biết cách đây 1 tháng, VPCC Sài Gòn đã công chứng một hợp đồng mua bán nhà mà người bán sở hữu “giấy trắng”. Sau khi hoàn tất hợp đồng công chứng, bên mua đến UBND quận Thủ Đức để đăng bộ sang tên trên giấy chủ quyền thì Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận từ chối, viện dẫn quy định của Luật Đất đai 2013: Không giải quyết đăng bộ vì chủ quyền nhà chưa được đổi từ “giấy trắng” sang “giấy hồng”.
Rút kinh nghiệm sau vụ này, nếu trường hợp nào có “giấy trắng” mà hai bên khăng khăng phải mua bán, VPCC Sài Gòn hỏi ý kiến Phòng TN-MT quận/huyện - nơi có bất động sản giao dịch. Nếu nơi nào đồng ý cho đăng bộ sang tên từ “giấy trắng” sang “giấy hồng”, văn phòng sẽ công chứng hợp đồng, còn không thì đành… từ chối.
Theo ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng Phòng Công chứng số 2, nơi đây chỉ công chứng những hợp đồng đối với chủ sở hữu nhà đất có “giấy trắng” khai di sản, ủy quyền như hướng dẫn của Sở Tư pháp. Những giao dịch còn lại, tùy hồ sơ và căn cứ pháp lý mà quyết định có công chứng hay không. Riêng công chứng hợp đồng mua bán nhà thì kiên quyết không thực hiện.
Trong khi đó, một trưởng VPCC trên địa bàn quận 5 chia sẻ nếu gặp phải loại hợp đồng mua bán nhà đất liên quan đến “giấy trắng”, công chứng viên sẽ công chứng bình thường, vì thực tế “giấy trắng” do nhà nước cấp thì phải được thừa nhận.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng Phòng TN-MT quận 5, nhận định nếu không bị pháp luật ngăn cản và nhà nước đã công nhận quyền sở hữu của người có nhà đất thì các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện cho giao dịch mua bán diễn ra. Luật quy định phải đổi “giấy trắng” sang “giấy hồng” mới được mua bán là gây khó khăn cho người dân. “Nên chăng, cứ để hai bên giao dịch mua bán, sau đó khi đến cơ quan TN-MT đăng bộ sẽ kết hợp đổi sang “giấy hồng” - bà Phấn đề nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Cheo cho rằng nếu bắt người dân đi đổi “màu giấy” trước khi mua bán rồi sau đó bên mua lại đăng bộ sang tên lần nữa sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Không thể làm trái luật
Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT TP HCM), Nghị định 43 hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 quy định các loại giấy tờ không phải “giấy đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở), “giấy hồng” thì không được giao dịch, thực chất là nhắc lại quy định của Nghị định 84 trước đây.
Trước năm 1994, TP đã cấp hơn 100.000 “giấy trắng” cho người dân. Những “giấy trắng” này đều hợp pháp, người dân cũng đã đóng nghĩa vụ tài chính đầy đủ và yếu tố kỹ thuật thì mẫu giấy trắng này cũng bảo đảm. Như vậy, việc Luật Đất đai quy định đổi “giấy trắng” sang “giấy hồng” sẽ gây thiệt thòi cho người dân đang sở hữu “giấy trắng”. Tuy nhiên, luật đã quy định thì các cơ quan chức năng phải thực hiện, không thể làm khác. Vì vậy, nếu có điều kiện, người dân nên chủ động đổi “giấy trắng” sang “giấy hồng”.
Ông Liên nói thêm: Trên thực tế, giao dịch thế chấp nhà đất rất nhiều, Sở Tư pháp nên kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì thực hiện Thông tư liên tịch số 20 (ngày 18-11-2011) giữa Bộ Tư pháp và Bộ TN-MT về hướng dẫn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trước khi soạn thảo thông tư liên tịch mới. Theo đó, nếu người dân thế chấp tài sản cho ngân hàng thì các phòng TN-MT quận/huyện vừa thực hiện ghi nội dung đăng ký thế chấp vào giấy chứng nhận vừa kết hợp đổi từ “giấy trắng” sang “giấy hồng”. Sau đó, nếu người đi vay hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ, ngân hàng sẽ trả lại “giấy hồng” cho người đi thế chấp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: