Quyết định 27/2014 về cấp giấy phép xây dựng vừa được UBND TP.HCM ban hành có nhiều nội dung mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục xin phép xây dựng lâu nay người dân gặp phải.
Bớt lãng phí, giảm thủ tục
. Thưa ông, khoản 2 Điều 1 Quyết định 27 nêu rõ bản vẽ kết cấu công trình không nằm trong thành phần hồ sơ xin phép xây dựng. Như vậy bản vẽ kết cấu, yêu cầu buộc phải thực hiện khi xin phép xây dựng với nhà ở trên ba tầng hoặc trên 250 m2 tại Nghị định 15/2013, đã được bỏ phải không?
+ Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Văn bản quy phạm của TP về cấp phép xây dựng vẫn phải phù hợp với luật và các nghị định. Tôi khẳng định TP không bãi bỏ yêu cầu bản vẽ kết cấu nhưng có một chút điều chỉnh về giai đoạn thực hiện. Nếu trước kia bản vẽ kết cấu phải nộp khi thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng thì bây giờ chuyển sang thực hiện trước khi khởi công xây dựng, tức sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng. Do đó, Quyết định 27 mới nói rõ: “Sau khi được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, trình cơ quan chức năng thẩm tra theo đúng quy định tại Nghị định 15/2013 và Thông tư 10/2013 của Bộ Xây dựng trước khi khởi công xây dựng theo quy định”.
. Việc người dân không phải nộp bản vẽ kết cấu vào hồ sơ xin phép xây dựng là một kiến nghị kiên trì lâu nay của Sở Xây dựng. Vì sao ông cho rằng đây là việc cần thiết và thuận lợi cho dân?
+ Rất mừng vì cuối cùng kiến nghị này được TP đồng tình thông qua. Công trình xây dựng nào cũng phải có hồ sơ kết cấu để thi công và chủ đầu tư là người hơn ai hết phải lo lắng về chất lượng công trình của mình. Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng luôn chú trọng đến quản lý chất lượng công trình. Do đó việc phải có bản vẽ kết cấu là cần thiết, quan trọng là bản vẽ này nằm ở khâu nào thì phù hợp và đỡ lãng phí, tốn kém cho người dân.
Tới đây, người dân không phải nộp bản vẽ kết cấu vào hồ sơ xin phép xây dựng. Ảnh: HTD
Thực tế cấp phép tại TP cho thấy có khoảng 70% hồ sơ bị yêu cầu điều chỉnh bản vẽ xin phép xây dựng. Mà điều chỉnh bản vẽ thì tất nhiên hồ sơ kết cấu trước đó nộp kèm theo cũng sai, phải làm lại trong khi chi phí cho loại bản vẽ này không hề nhỏ, điều chỉnh cũng phức tạp.
Mục tiêu và ý nghĩa của cấp phép xây dựng là để quản lý theo quy hoạch. Do đó, yêu cầu về hồ sơ kết cấu để quản lý chất lượng công trình chưa cần thiết đặt ra trong quá trình cấp phép xây dựng mà nằm ở khâu sau, tức là trước khi khởi công. Thay vì người dân phải thực hiện bản vẽ kết cấu cho cả hai khâu: Xin phép và thi công, nay họ chỉ cần thực hiện ở khâu sau. Như vậy đỡ tốn công sức, chi phí cho người dân mà cũng giảm thủ tục hành chính.
Đảm bảo quyền lợi cho người xây dựng tạm
. Thời gian qua các chủ đầu tư phản ánh rất nhiều về việc dự án nhà ở của họ đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, chỉ còn một số nền chưa kịp xây thì đùng một cái quy định mới yêu cầu họ phải xin phép xây dựng lại cho những nền này (thay vì được miễn). Phản ánh này đã được ghi nhận như thế nào tại Quyết định 27?
+ Đối với dự án nhà ở có quy mô dưới bảy tầng, tổng diện tích sàn dưới 500 m2 mà đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt thì không cần phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, xin nhắc lại là không cần giấy phép xây dựng nhưng vẫn phải đáp ứng các yêu cầu khác (như bản vẽ kết cấu nếu thuộc đối tượng phải có, có đất sạch, kết nối hạ tầng…) thì mới được thực hiện. Các yêu cầu này đã được quy định rõ tại những nghị định liên quan.
. Người dân thắc mắc công trình có thời hạn của họ vẫn có thể được bồi thường (nếu sau năm năm hoặc ba năm Nhà nước không thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) nhưng khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng lại bị buộc làm đơn cam kết không bồi thường. Việc này có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân về sau không?
+ Quyết định 27 quy định cơ quan cấp phép có trách nhiệm xác định cụ thể thời hạn sử dụng công trình, nhà ở ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn. Trong thời hạn này, người dân không được bồi thường nếu Nhà nước thu hồi đất thực hiện quy hoạch. Do đó việc người dân cam kết không bồi thường là cần thiết.
Còn sau năm năm kể từ ngày công bố quy hoạch (hoặc ba năm với khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm) mà Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì Nhà nước sẽ bồi thường, hỗ trợ. Người dân không phải lo đơn cam kết này sẽ khiến họ không được bồi thường.
Địa phương phải thực hiện thống nhất
. Trước đây, khi thực hiện Quyết định 21/2013, một số địa phương có cách hiểu khác nhau về cấp giấy phép tạm hay chính thức với một số trường hợp cụ thể. TP và Sở Xây dựng giải quyết việc này như thế nào?
+ TP đã chỉ đạo rõ các quận, huyện phải thực hiện thống nhất quy định, nơi nào không thực hiện đúng thì chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Ngay khi bàn dự thảo, TP cũng yêu cầu lãnh đạo quận, huyện phải đi thay vì để cán bộ, chuyên viên. Sắp tới Sở Xây dựng cũng sẽ tổ chức triển khai Quyết định 27/2014 với các quận, huyện để áp dụng thống nhất.
. Xin cảm ơn ông.
Quyết định 27 có một số điều khoản không đóng khung mà giao về cho quận, huyện. Chẳng hạn, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ nông nghiệp như chuồng trại, nhà kính… khỏi phải xin phép xây dựng nhưng quy mô sẽ do địa phương quy định. Như vậy, các địa phương sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể hay cần có bộ tiêu chí chung cho trường hợp này? + Đây là những trường hợp tương đối đặc thù, giữa các địa phương cũng có sự khác nhau. Do đó, các địa phương phối hợp Sở NN&PTNT đánh giá quy mô những công trình này phù hợp thực tế địa phương mình để thực hiện thống nhất tại địa phương. Việc giải quyết từng trường hợp cụ thể sẽ không có cơ sở, không thống nhất và dễ dẫn đến tùy tiện. 70% hồ sơ xin phép xây dựng bị điều chỉnh bản vẽ. Bản vẽ bị điều chỉnh thì bản vẽ kết cấu nếu nộp kèm theo cũng phải sửa, rất tốn kém và cực nhọc cho người dân. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: