Trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk hiện hữu.
“Mắt xích” Dự án Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14
Các nhà đầu tư BOT giao thông đường bộ đang gặp khó khăn có thể tìm thấy ít nhiều hy vọng trong Công văn số 10181/VPCP-KTTH về việc xử lý kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Công ty Quang Đức vừa được Văn phòng Chính phủ gửi tới các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải (GTVT), Tư pháp, tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuối tuần trước.
Tại công văn này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/12/2020 xử lý các kiến nghị của Bộ GTVT tại Văn bản số 416/BGTVT - ĐTCT ngày 17/8/2020 về nội dung chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, do Văn bản số 416 đóng dấu “Mật”, nên không thể tiết lộ nội dung chi tiết, nhưng về cơ bản, đây là những kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT bị hụt doanh thu, đang đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính.
Trước đó, ông Thái Hồng Nhân, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh hàng hóa xuất khẩu Quang Đức (gọi tắt là Công ty Quang Đức, có trụ sở tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã gửi tâm thư kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn cho 2 khoản đầu tư đang kéo doanh nghiệp này ngập sâu vào nợ nần là Dự án Trồng, chế biến cao su tại khu vực biên giới có điều kiện khó khăn và Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk.
Với Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk, ông Thái Hồng Nhân cho biết, do các phương tiện chuyển sang đi tuyến tránh thị xã Buôn Hồ và không được tăng phí như lộ trình, nên doanh thu thu phí hoàn vốn cho Dự án hiện chỉ bằng 70 - 80% so với phương án tài chính. Do vậy, khoản tín dụng mà Công ty Quang Đức vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trị giá 669 tỷ đồng đã bị chuyển thành nợ xấu.
Lãnh đạo Công ty Quang Đức chia sẻ, việc khoản vay bị chuyển thành nợ xấu đã để lại những “di chứng” tai hại cho đơn vị, do gần như không còn cơ hội để tiếp cận các khoản vay thương mại cho Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk cũng như các dự án khác của doanh nghiệp. Gánh nặng nợ nần, thua lỗ đối với nhà đầu tư này ngày càng gia tăng do nguồn thu ngày một sụt giảm, trong khi vẫn phải căng mình trả lương cho người lao động; bảo trì, duy tu tuyến đường.
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk có thể coi là điển hình của việc vi phạm quy định trong hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Hợp đồng Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk được ký giữa Bộ GTVT và Công ty Quang Đức có giá trị 836 tỷ đồng, nhằm nâng cấp 25 km Quốc lộ 14. Hợp đồng có 1 điều khoản quan trọng là, dự kiến đến năm 2030, đường cao tốc Hồ Chí Minh song song với Dự án đi vào hoạt động, nên lưu lượng xe trên Quốc lộ 14 sẽ được phân lưu 1 phần, trước mắt tạm tính tỷ lệ phân lưu sang tuyến cao tốc là 50%. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án.
Trên cơ sở hợp đồng BOT đã ký kết, nhà đầu tư đã huy động vốn chủ sở hữu và vay tín dụng để kịp hoàn thành đưa Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk vào khai thác từ tháng 11/2015.
Trong khi Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk đang thi công, thì UBND tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép xây dựng tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ. Tuyến đường này gần như chạy song song với Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk. Đến tháng 4/2016, Dự án Tuyến tránh thị xã Buôn Hồ được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Đến nay, Dự án Tuyến tránh thị xã Buôn Hồ đã hoàn thành xây dựng, đang chờ nghiệm thu, đưa vào khai thác.
Điều đáng nói là, theo Bộ GTVT, khi đưa Dự án Tuyến tránh thị xã Buôn Hồ vào khai thác, do không tổ chức thu phí, nên phần lớn phương tiện sẽ sử dụng tuyến đường này, làm sụt giảm rất sâu doanh thu của Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk.
Để tháo gỡ cho Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được cho phép đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi nội dung hợp đồng BOT đã ký kết.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất di dời trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk từ Km1747 về Km1758+085 Quốc lộ 14. Vị trí này vẫn nằm trong phạm vi Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk và nằm ngoài tuyến tránh.
Tuy nhiên, Công ty Quang Đức cho rằng, nếu trạm thu phí BOT của Dự án được di dời về vị trí mới tại Km1758+085, sẽ dễ xảy ra nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, vị trí mới của trạm thu phí sẽ nằm ngay phía trước đường rẽ vào tuyến tránh, nên chắc chắn các phương tiện giao thông dù chỉ vận hành trên tuyến tránh Buôn Hồ (Đắk Lắk) và không đi qua đoạn đường BOT Đắk Lắk, nhưng cũng phải đóng phí ở trạm thu phí. Đó là chưa kể, vị trí mới dự kiến đặt trạm thu phí sẽ có rất nhiều đường dân sinh giao cắt với đường Hồ Chí Minh và tuyến tránh, nên có thể dẫn đến việc các phương tiện “lách” qua đây, dẫn đến nguy cơ trạm thu phí mới ảnh hưởng tới khả năng hoàn vốn của Dự án.
Bên cạnh đó, do doanh thu liên tục không đảm bảo phương án tài chính trong thời gian khá dài vì không được điều chỉnh mức phí như lộ trình (3 năm/lần, mỗi lần 18%), nên nhà đầu tư không thể trả lãi vay, gốc đúng hạn và đã bị đánh tụt hạng tín dụng, không còn khả năng huy động khoảng 50 tỷ đồng để di chuyển trạm thu phí.
Được biết, trong Công văn số 8174/BGTVT-ĐTCT ngày 19/8/2020 gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT đã xác nhận tình cảnh “chỉ mành treo chuông” của Công ty Quang Đức.
Cũng tại công văn này, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư và tổng hợp những tồn tại, vướng mắc tại các dự án BOT hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có Công văn số 416 báo cáo Thủ tướng giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án BOT đường bộ, trong đó có Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định không tổ chức thu phí của người dân, bố trí vốn xây dựng của Nhà nước cho các công việc đã hoàn thiện và chi phí liên quan.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, có khoảng 5 dự án BOT đường bộ đang chung “tình cảnh” với Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk, gồm: cầu Hạc Trì; Quốc lộ 3 mới; cầu Thái Hà; tuyến tránh phía Tây Thanh Hóa; Quốc lộ 10 đoạn Tân Đệ - La Uyên.
“Hiện chưa rõ các dự án nói trên có chung hướng xử lý như Dự án BOT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk hay không, nhưng các nhà đầu tư xứng đáng nhận được sự chia sẻ rủi ro từ các cơ quan nhà nước để không rơi vào cảnh nợ nần, phá sản”, ông Chủng nêu quan điểm.
Gia tăng nguy cơ các dự án BOT không đảm bảo doanh thu - Năm 2018, có 27/53 dự án đang thu phí do Bộ GTVT quản lý đạt doanh thu; 26 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến. - Năm 2019, có 15/58 dự án đạt doanh thu; 43 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến. - 9 tháng đầu năm 2020, có 10/58 dự án đạt doanh thu; 48 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: