Cụm dân cư xã Hậu Thạnh Ðông, huyện Tân Thạnh (Long An) có hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh. Ảnh: Khuynh Diệp
Ðến nay, sau hơn mười năm triển khai chương trình, đã có hàng trăm nghìn hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định trong vùng lũ, với cơ sở hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên so với mục tiêu đề ra vẫn cần các ngành, các địa phương phải có những giải pháp đồng bộ để người dân ÐBSCL có thể yên tâm "sống chung với lũ".
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng trong hai giai đoạn triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ÐBSCL, các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc quy hoạch, chọn địa điểm xây dựng hơn 980 dự án, trong đó có hơn 860 cụm, tuyến và gần 120 bờ bao. Ðã xây dựng gần 120 nghìn căn nhà và bố trí cho hơn 150 nghìn hộ vào ở trong cụm, tuyến dân cư và khu vực bờ bao. Nhiều địa phương như Ðồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Kiên Giang đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Trong đó An Giang là tỉnh có gần 90% số lượng dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu được xây dựng. Hậu Giang cũng đạt gần 90%, tiếp theo là Vĩnh Long và Tiền Giang...
Cùng với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đồng thời tiến hành triển khai xây dựng nhà ở kịp thời bố trí các hộ dân vào ở bảo đảm an toàn, nhất là tại các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2, tỉnh Ðồng Tháp đã có hơn 4.000 hộ, An Giang: 5.700 hộ, Hậu Giang: 300 hộ, Vĩnh Long: 640 hộ, Tiền Giang: 150 hộ. Ngoài ra, gần 9.000 hộ dân Tiền Giang và Vĩnh Long được "bao bọc" trong các bờ bao.
Mặc dù các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo và có nhiều nỗ lực cố gắng trong triển khai thực hiện, nhưng kết quả còn chậm so với tiến độ. Kết quả thực hiện cũng không đồng đều giữa các địa phương. Nhiều tỉnh có số lượng dự án nhiều, điều kiện thực hiện khó khăn (phần lớn các dự án tập trung ở khu vực ngập sâu) nhưng lại đạt được kết quả rất tốt như Ðồng Tháp, An Giang. Một số địa phương khác thực hiện công tác tôn nền, đắp bờ bao còn chậm so với yêu cầu như: Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Có địa phương đã hoàn thành tôn nền từ lâu, nhưng việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở rất chậm cho nên đến nay vẫn chưa bố trí được hộ dân nào vào ở như Kiên Giang. Một phần nguyên nhân là do người dân lo ngại về chất lượng xây dựng các công trình nhà ở. Vừa qua, trên địa bàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra trận lốc xoáy làm 40 căn nhà bị hư hỏng, 29 căn nhà bị sập đổ, 11 căn khác bị tốc mái. Qua kiểm tra cho thấy, những căn nhà bị thiệt hại là do được xây dựng có chất lượng quá thấp (không đúng hồ sơ thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng). Tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án huyện Tân Hiệp yêu cầu nhà thầu khắc phục, bảo đảm nhà ở được xây dựng đúng theo hồ sơ thiết kế, chất lượng kỹ thuật.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng Vũ Văn Phấn cho biết, quá trình triển khai thực hiện các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giá bồi thường giải phóng mặt bằng, giá vật liệu, nhân công tăng cao trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng tiến độ xây dựng các dự án. Trong khi đó việc bố trí vốn từ ngân sách trung ương cho các địa phương chưa kịp thời vì vậy các địa phương chậm có vốn để thực hiện. Còn vốn vay để kè chống sạt lở các cụm, tuyến và để xây dựng bãi rác có lãi suất cao nên các địa phương chưa muốn vay để thực hiện. Bên cạnh đó một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo thực hiện, dẫn đến việc triển khai chậm, đến khi bắt đầu triển khai thì giá bồi thường, giá vật liệu, nhân công tăng cao cho nên đã gây khó khăn cho việc thực hiện. Việc khảo sát, chọn địa điểm cũng chưa kỹ nên nhiều dự án xây dựng tại những nơi có giá bồi thường cao do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Do chưa thực hiện tốt khâu quy hoạch, nên một số địa phương phải chuyển đổi vị trí xây dựng cụm, tuyến nên mất nhiều thời gian; chưa bố trí kịp thời vốn ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện, đồng thời chưa ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, mục tiêu vào trong các cụm, tuyến cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ. Việc kiểm tra, giám sát thi công chưa tốt cho nên nhiều khu vực nhà ở có chất lượng rất thấp, do đó tốn nhiều thời gian khắc phục, sửa chữa nên chưa thể nghiệm thu sớm để bàn giao cho các hộ dân vào ở.
Trong khi đó khối lượng công việc còn lại phải thực hiện từ nay đến hết năm 2013 ở các địa phương cũng còn khá lớn. Trong đó các dự án tôn nền, đắp bờ bao còn lại là 46 dự án. Trong đó tỉnh Tiền Giang còn 26 dự án, Vĩnh Long 9, Cần Thơ 6, Ðồng Tháp 4 và Hậu Giang 1 dự án. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại khoảng 35% khối lượng công việc. Trong đó địa phương còn nhiều nhất là Ðồng Tháp. Những địa phương khác mặc dù khối lượng theo kế hoạch ít, nhưng tiến độ thực hiện chậm, có tỷ lệ hoàn thành thấp như: Kiên Giang, Cần Thơ. Nhà ở để bố trí cho dân vào ở cũng còn hơn 25.000 căn nhà, gồm Ðồng Tháp còn hơn 10.000 căn, An Giang 5.500 căn, Kiên Giang 1.200 căn, Cần Thơ 2.500 căn, Hậu Giang 3.300 căn, Vĩnh Long 1.700 căn, Tiền Giang 580 căn. Ngoài ra các địa phương cũng phải hoàn thành xây dựng các bờ bao để bảo đảm an toàn cho hơn 12.000 hộ còn lại so với kế hoạch.
Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra, các địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện của từng dự án để xác định khối lượng còn lại chưa thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết cụ thể của từng xã, từng huyện kèm theo biện pháp thực hiện phù hợp. Những dự án không còn cần thiết, hoặc những dự án chồng chéo, trùng lắp với các chương trình khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa ra khỏi chương trình. Ðối với những dự án đã được phê duyệt cần quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện, phát động đợt thi đua nước rút hoàn thành chương trình đúng tiến độ.
Kiện toàn bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ của tỉnh và Ban chỉ đạo của các huyện. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan của địa phương với nhau và với các huyện, xã.
Cân đối lại nguồn vốn đầu tư, nếu cần thiết có thể giảm bớt quy mô đầu tư đối với những dự án chưa khởi công hoặc những dự án chưa hoàn thành. Bố trí đủ và kịp thời vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn vay theo quy định. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn lồng ghép thuộc các chương trình, mục tiêu để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư.
Tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở bảo đảm chất lượng, phù hợp phong tục tập quán và nguồn lực của từng hộ gia đình.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: