Theo báo cáo này, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 3,4%/năm, đa số tập trung trong và xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đô thị hóa, đặc biệt là ở hai trung tâm kinh tế lớn này, đóng vai trò trọng tâm trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống đô thị hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang bị hạn chế lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là chi phí vận chuyển cao, tắc nghẽn giao thông và thị trường đất đai bị bóp méo.
Báo cáo đề xuất cần tập trung cải thiện hệ thống giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của các vùng đô thị này. Trong khi các dịch vụ cơ bản ở Việt Nam đã được cung cấp tương đối tốt, đa số người dân đều có thể tiếp cận với nhà ở.
Tuy nhiên, theo phân tích, chỉ có 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng chi trả cho nhà đất do các công ty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức. Hệ thống giá đất kép và sự mập mờ của thị trường nhà đất, cũng như thói quen cho thuê đất để tăng ngân sách địa phương là những thực tế có thể dẫn tới phát triển đô thị lộn xộn.
Báo cáo kêu gọi các nhà quy hoạch giải quyết các vấn đề giao thông đô thị để nâng cao chất lượng sống và cung cấp thêm nhiều lựa chọn giao thông cho người dân, kể cả người nghèo, trẻ em, người già và người tàn tật. Giải quyết những vấn đề này đồng nghĩa với hiện đại hóa và cải cách hệ thống quy hoạch của Việt Nam, tăng cường quản lý đô thị và đảm bảo phối hợp tốt hơn giữa các cấp chính quyền và giữa các ban ngành của thành phố.
Ông Dean. Cira, chuyên gia trưởng về phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng đô thị hóa được quản lý tốt có thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế và các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, báo cáo là một tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và những người quan tâm tới quá trình đô thị hóa của Việt Nam./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: