Thị trường BĐS trầm lắng là nguyên nhân làm chậm tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong ảnh: Một góc khu ĐTM Mỹ Đình. Ảnh: Huy Hùng |
Từ nhiều năm nay, ĐGQSDĐ luôn là hình thức đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước của TP Hà Nội. Thông qua đấu giá mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu về sử dụng đất và có khả năng tài chính đều được tham gia đấu giá, qua đó giúp bình ổn thị trường BĐS, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Dẫn chứng rõ nhất, năm 2010, mặc dù chỉ tiêu thu ngân sách từ ĐGQSDĐ là 2.600 tỷ đồng, nhưng toàn TP đã thu được tới trên 3.500 tỷ đồng. Đây chính là cơ sở quan trọng để UBND TP đặt mục tiêu thu ngân sách từ đấu giá khoảng 2.450 tỷ đồng cho năm 2011.
Tại Kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND TP, trong năm 2011, TP đã đặt ra mục tiêu tổ chức đấu giá 30 dự án với diện tích 17,96ha đất. Cụ thể, khối các quận đấu giá 7 dự án, dự kiến thu 798 tỷ đồng; khối thị xã Sơn Tây và các huyện đấu giá 17 dự án, dự kiến thu 1.231 tỷ đồng; khối các sở, ngành đấu giá 6 dự án, dự kiến thu 421 tỷ đồng. Trong số 30 dự án được dự kiến ĐGQSDĐ năm nay, đặc biệt nhiều dự án nằm trong những khu đất "vàng" như khu đất Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (quy mô 0,5ha, dự kiến thu 400 tỷ đồng); ô đất quy hoạch NO-22 và NO-23 hai bên trục đường Cầu Chui - Đông Trù (diện tích 0,91ha, dự kiến thu 181 tỷ đồng); khu đất đấu giá tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (0,98ha, 225 tỷ đồng); khu đất xây dựng nhà ở để ĐGQSDĐ tại xã Ngũ Hiệp và Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (3ha, 300 tỷ đồng)… Chủ trương của thành phố đã có, nhưng việc ĐGQSDĐ lại không đạt kết quả như mong muốn. Theo báo cáo của Sở TN&MT, tính đến hết tháng 10, mới chỉ có 3 đơn vị tổ chức đấu giá các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư, với số tiền thu được 249,3 tỷ đồng (đạt 10% kế hoạch năm).
Đâu là nguyên nhân?
Nhiều chuyên gia về bất động sản (BĐS) đều cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ ĐGQSDĐ trên địa bàn Hà Nội là do thị trường BĐS đang trong giai đoạn trầm lắng, cung đã vượt xa cầu. Trong khi đó, các ngân hàng lại thắt chặt nguồn vốn tín dụng cho BĐS. Điều này khiến cho việc ĐGQSDĐ dù là các dự án thuộc vị trí đẹp, nhưng vì nhà đầu tư thiếu vốn, thị trường BĐS lại trầm lắng ít giao dịch nên đầu tư BĐS không còn "nóng" như các năm trước.
Một nguyên nhân nữa là, cơ chế chính sách ĐGQSDĐ có nhiều thay đổi khiến cho chính quyền các địa phương lúng túng. Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Theo quy định của Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, quy trình, thủ tục thực hiện công tác ĐGQSDĐ có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc bãi bỏ Hội đồng ĐGQSDĐ các cấp và thay vào đó, phải thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Do vậy, UBND các quận, huyện, thị xã rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Lúng túng từ việc xác định danh sách các tổ chức đủ điều kiện thực hiện ĐGQSDĐ, đến việc lựa chọn tổ chức thực hiện bán ĐGQSDĐ trong trường hợp có nhiều tổ chức cùng đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng rất băn khoăn về vấn đề chi phí thuê tổ chức ĐGQSDĐ chuyên nghiệp kể cả khi đấu giá thành công cũng như lúc không thành công… Còn lãnh đạo Sở Tư pháp cho rằng, lực lượng đấu giá viên của ngành tư pháp từ trước đến nay chưa thực sự chuyên sâu về ĐGQSDĐ, đồng thời, lực lượng này hiện còn khá mỏng, khó đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn cũng như tiến độ tổ chức đấu giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, với quỹ thời gian chỉ còn hơn một tháng nữa kết thúc năm 2011, trong khi cơ chế chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, thị trường BĐS lại đang trong giai đoạn trầm lắng, Hà Nội sẽ vỡ kế hoạch đấu giá đất?
Đến thời điểm này, mới chỉ có 3 địa phương triển khai ĐGQSDĐ gồm: UBND huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 3.700m2, thu được 38,7 tỷ đồng; UBND huyện Mỹ Đức đấu giá 12.187m2 tại 5 xã, thu 39,6 tỷ đồng; UBND huyện Gia Lâm đấu giá các thửa đất nhỏ lẻ tại 7 xã, thu được 171 tỷ đồng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: