Sau chặng đường 30 năm đổi mới thu được một số thành quả, hướng tới mốc 50 năm, Việt Nam đặt mục tiêu khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn. "Vui mừng song không thể thỏa mãn, khát vọng của Việt Nam về một quốc gia thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, môi trường bền vững, người dân có cuộc sống ấm no đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ảnh: Q.Đ
Để thực hiện những mục tiêu này, Báo cáo Việt Nam 2035 với chủ đề "Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" cho rằng Việt Nam cần một chương trình cụ thể, giúp nền kinh tế tiếp tục đi lên, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Do vậy, báo cáo đề ra lộ trình cải cách cho Việt Nam tập trung vào 4 nội dung, trọng tâm trước mắt là nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân.
"Nhà nước kém hiệu lực lại là một nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ năng suất và môi trường kém thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân", báo cáo cho hay.
Cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần cải cách theo hướng áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế. Các cơ quan Nhà nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quy định kinh tế sẽ không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích. Nhà nước sẽ chuyển đổi vai trò từ thiên về sản xuất kinh doanh sang xây dựng khung khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng.
"Nhà nước không chỉ phải giảm số lượng và đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước đồng thời tăng cường quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn lại, mà còn phải chấm dứt ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân thân hữu", báo cáo nhấn mạnh.
Thị trường đất đai minh bạch, vận hành tốt và một khu vực tài chính cạnh tranh, có sự quản lý tốt của nhà nước cũng là những điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới thừa nhận thách thức lớn nhất cho Việt Nam là tập trung nguồn lực vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo đất đai và nguồn vốn được cung cấp theo nguyên tắc thị trường. Do đó, Chính phủ cần cam kết thực hiện mục tiêu này để tiếp tục tăng trưởng.
6 chuyển đổi được báo cáo khuyến nghị thực hiện trong vòng 20 năm tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải khuyến khích đổi mới sáng tạo để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị. Khi bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao và hiện đại hóa kinh tế, các đô thị phải đảm nhiệm nhiều chức năng hơn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thu hút và tập trung nhân tài.
Việt Nam cũng cần bảo vệ chất lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên, lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng để giảm thiểu những rủi ro nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
"Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội", ông Kim cho biết.
Tại bản báo cáo, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng khát vọng phát triển của Việt Nam càng trở nên mãnh liệt hơn khi nhìn vào những thành tích nổi bật của các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Trung Quốc - cùng với nỗi lo sẽ bị tụt hậu mãi mãi.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người hơn 7.000 USD (theo giá thực tế), tương đương 18.000 USD tính theo sức mua tương đương 2011. Tuy nhiên, với GDP bình quân đầu người 2015 mới ở mức 2.109 USD, mục tiêu này được đánh giá khá thách thức khi đòi hỏi tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm, cao hơn hẳn mức tăng trưởng trung bình giai đoạn trước.
“Việt Nam đứng trước thời điểm bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để thực hiện khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách. Nếu không cải cách, nguy cơ tụt hậu xa hơn và việc bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình khó có thể tránh khỏi", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.
Đồng quan điểm, Ngân hàng Thế giới dự báo thu nhập bình quân năm 2035 tối đa chỉ 4.500 USD, tương đương 12.000 USD tính theo sức mua tương đương nếu Việt Nam không có chương trình cải cách đúng đắn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: