Tại sao CPI tháng 4 tăng thấp?
Đường đi của CPI năm 2012 tương đồng so với năm 2009
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 này tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 2,6% so với đầu năm và 10,54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thấp hơn khá nhiều so với dự báo trước đó. Đây chính là hệ quả của các chính sách tiền tệ thắt chặt và sức cầu trong nền kinh tế suy giảm mạnh.
Trong tháng 4, giá 3 nhóm hàng có quyền số lớn trong rổ tính CPI giảm nhẹ, gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm bưu chính viễn thông. Ngược lại, nhóm hàng giao thông có mức tăng mạnh so với tháng trước với 2,67% do tác động chính là đợt tăng mạnh giá xăng dầu ngày 7/3, nhóm giáo dục cũng tăng khá mạnh với 1,63%...
Giá lương thực thực phẩm trong nước giảm do giá lương thực, thực phẩm thế giới có xu hướng giảm và sức mua trong nền kinh tế suy yếu. Ngoài ra, giá thực phẩm giảm còn do ảnh hưởng nguồn cung rau củ quả dồi dào và thông tin chất tạo nạc lợn.
Nhà ở vật liệu xây dựng giảm do ảnh hưởng mạnh bởi sức cầu trong đầu tư xây dựng giảm mạnh. Hiện tại, tồn kho của sắt thép, vật liệu xây dựng lớn khiến cho mặt hàng này khó tăng giá mặc dù chi phí đầu vào tăng. Nhóm hàng giao thông tăng phản ánh bởi việc giá xăng dầu tăng mạnh trong tháng 3.
Lạm phát tháng 4 tiếp tục tăng ở mức thấp phản ánh cả yếu tố tiêu cực lẫn tích cực. Mặt tích cực là việc CPI giảm cho thấy các chính sách kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng. Ngoài ra, đây chính là tiền đề quan trọng giúp NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát giảm một cách “bất thường” lại phản ánh sức mua của nền kinh tế suy yếu. Thực tế cũng đã chứng minh điều này qua việc chỉ số hàng tồn kho tăng mạnh và tăng trưởng GDP quý 1 cũng ở mức khá thấp (4%).
Vòng xoáy lạm phát trở lại?
Tín dụng và lạm phát có quan hệ chặt chẽ với nhau
Trong 5 năm gần đây Việt Nam luôn phải chịu lạm phát rất cao. Đặc biệt lạm phát bùng nổ dữ dội trong năm 2008 và 2011. Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân làm cho lạm phát Việt Nam tăng cao do các yếu tố nội tại của nền kinh tế là hiệu quả đầu tư thấp và tăng trưởng tín dụng quá cao.
Việc lạm phát (tính theo năm) giảm mạnh kể từ tháng 8/2011 đến này chủ yếu là do chính sách tiền tệ thắt chặt làm tăng trưởng tín dụng bị chậm lại. Trong khi đó chất lượng tăng trưởng vẫn chưa hề được cải thiện. Do vậy, lạm phát sẽ tăng trở lại nếu như chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng trở lại trong thời gian tới.
Theo số liệu N HNN, tính đến 26/03, tín dụng trong nền kinh tế giảm 1,96% so với đầu năm và tăng 5,42 so với cùng kỳ năm trước. Tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) cũng chỉ còn tăng 8,53% so với cùng kỳ. Đây là một mức rất thấp so với tăng trưởng tín dụng và cung tiền của nhiều năm trước đó. Tăng trưởng tín dụng thấp làm cho nền kinh tế có “cảm giác thiếu tiền” và sức mua yếu.
Trước sự suy giảm của nền kinh tế và tiếng “kêu cứu” của các doanh nghiệp chỉ trong vòng một tháng NHNN đã hai lần giảm các lãi suất. Với xu hướng giảm mạnh của lạm phát và sự suy giảm của nền kinh tế thì chắc chắn NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới. Không những vậy, mới đây NHNN còn ban hành văn bản số 2056, theo đó NHNN đã chính thức bật đèn xanh cho ngân hàng và doanh nghiệp “đảo nợ”.
Bên cạnh chính sách tiền tệ mở rộng thì chính sách tài khóa cũng đang được Chính phủ tính tới. Trước đó Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sử dụng ngân sách đề mua nhà giá thấp. Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đang xem xét sẽ việc giảm 50% thuế VAT và giản, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Không những vậy một số ý kiến còn đề xuất Chính phủ nên tung ra một gói kích cầu để hỗ trợ cho nền kinh tế. Như vây, đã có định hướng nới lỏng trong chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian tới. Tuy nhiên, liều lượng và mức độ thì chưa được xác định.
Mới đây, Chính phủ vừa đệ trình Thường vụ Quốc hội đề án tái cấu trúc kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì đề án thiếu khả thi, thiếu các giải pháp cụ thể, thiếu giải pháp “gốc” và không có điểm mới. Như vậy, rất khó kỳ vọng cơ cấu nền kinh tế sẽ thay đổi, chất lượng tăng trưởng sẽ nhanh chóng được cải thiện, hệ thống ngân hàng lành mạnh.
Điều này khiến nhiều người lo ngại trong thời gian tới Chính phủ không tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để cải thiện chất lượng tăng trưởng mà lại thực hiện các chính sách kích cầu. Nếu lo ngại này là sự thật thì Việt Nam sẽ khó thoát khỏi vòng xoáy lạm phát. Tức là, lạm phát sẽ tăng trở lại vào cuối năm và những năm tới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: