Mong muốn chính đáng
Theo đơn kiến nghị của 10 hộ dân ở thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức do ông Nguyễn Đắc Trung làm đại diện thì vào năm 1997, theo Thông báo số 36 TB/HĐ, ngày 10-6-1997, của Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND huyện Hoài Đức do ông Đỗ Văn Định (Chủ tịch Hội đồng) ký, các hộ dân sẽ bị thu hồi đất thổ cư nhằm phục vụ việc xây dựng đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long). Trong thông báo chỉ yêu cầu kê khai đất đai, cây cối, tài sản để phục vụ việc đền bù và có nêu rõ các căn cứ để thu hồi gồm: Quyết định số 471/TTG ngày 13-7-1996 của Thủ tướng Chính phủ về dự án xây dựng đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; Quyết định số 88QĐ/UB ngày 31-1-1997 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và biên bản kiểm kê đất đai, tài sản, cây cối của các hộ dân sử dụng đất thổ cư có đường cao tốc đi qua. Nhận được thông báo, nhiều hộ dân đã tự nguyện bàn giao đất, đồng thời nhận phần đất tái định cư mà chính quyền tạm giao để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay, 16 năm đã trôi qua, những hộ dân mới được tạm giao phần đất tái định cư, chưa có bất kỳ một quyết định chính thức và đầy đủ nào về việc giao đất bằng văn bản của UBND huyện để tiến tới hợp thức hóa quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất (sổ đỏ) để các hộ yên tâm sử dụng đất lâu dài và thực hiện đúng, đầy đủ các quyền lợi cũng như nghĩa vụ với Nhà nước
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đắc Nhàn, đội 3, thôn Quyết Tiến cho biết, những năm qua các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã, huyện về việc cấp GCNQSD đất nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Từ đầu năm 2013, khi Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất cho người dân và cũng là năm mà UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các hộ dân tiếp tục gửi đơn thư tới cơ quan cấp trên. Ngày 7-6-2013, những hộ dân này đã nhận được Phiếu chuyển đơn số 95/VP - PC của Thanh tra thành phố về việc tiếp nhận đơn thư của ông Nguyễn Đắc Trung và chuyển đơn thư tới Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức để chỉ đạo giải quyết và báo cáo kết quả. Ngay sau đó, ngày 8-6-2013, UBND huyện Hoài Đức đã ra Thông báo số 286/UBND-TTCD về việc giao cho Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Vân Côn kiểm tra xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Nguyễn Đắc Nhàn, quyền lợi chính đáng của các hộ dân vẫn chưa được đáp ứng. 10 hộ dân vẫn chưa được trả lời của cơ quan chức năng về những vướng mắc trong việc cấp GCNQSD đất. Trong khi đó ở xã Song Phương bên cạnh, cũng với quyết định thu hồi đất (năm 2009) để thực hiện dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, đến nay, một số hộ dân Song Phương đang làm thủ tục cấp GCNQSD đất ở khu tái định cư.
Ông Nguyễn Đắc Nhàn lo lắng: "Mong muốn của chúng tôi không chỉ để hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước mà còn cả trách nhiệm với các thế hệ tiếp theo trong gia đình là được sử dụng đất ổn định. Nếu như, những chủ hộ, người được giao đất không may bệnh tật, tuổi già đến sớm trước khi được cấp "sổ đỏ", liệu con cái sau này có vất vả, khó khăn về thủ tục hành chính".
Trách nhiệm bị đùn đẩy
Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vân Côn cho biết: 10 hộ ký đại diện thôi, còn nếu để đủ diện tái định cư đó thì nhiều, con số đó lên đến hơn 50 và chưa hộ nào nhận được GCNQSD đất.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ việc xây dựng đường Láng - Hòa Lạc, ở thôn Quyết Tiến này, Nhà nước tiến hành hai đợt thu hồi đất ở. Đợt 1, vào năm 1997, có 14 hộ phải di dời. Đợt 2, vào 2006, có 46 hộ phải di dời. Và đến nay, cả hai đợt ở Vân Côn, chưa hộ nào làm được GCNQSD đất trên phần đất tái định cư được giao. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhân dân trong xã cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Sơn lý giải: Thực tế, trách nhiệm của xã, huyện là phải cấp "sổ đỏ" cho người dân, thế nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể tiến hành được. Vướng mắc bởi nhiều lý do. Cụ thể là ở đợt 1, trước khi thu hồi, khi đó UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi chung tất cả diện tích đất của tất cả các hộ và không có quyết định riêng cho từng hộ. Do đó, cho đến nay chưa một hộ dân nào trong đợt 1 có được quyết định bàn giao phần đất tái định cư của riêng mình. Khi người dân kiến nghị, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện có về kiểm tra để xem xét cấp GCNQSD đất cho dân nhưng vướng mắc vẫn là ở quyết định thu hồi và bàn giao đất cho từng hộ dân.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thẩm quyền này thuộc về UBND huyện và các phòng chức năng tham mưu cho huyện để ra quyết định thu hồi và bàn giao cho các hộ này thì Phòng Tài nguyên & Môi trường mới đủ căn cứ để làm. Khu tái định cư này, từ giao đất cho từng hộ, đo, vẽ, trích bản đồ, tổ chức hội nghị gắp thăm chia đất xây dựng dự án, hạ tầng khi gắp thăm chia đất từng hộ cho dân, tất cả do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Phòng Tài nguyên & Môi trường của huyện tiến hành, UBND xã chỉ phối hợp cùng làm các thủ tục cho suôn sẻ. "Huyện yêu cầu gì, chúng tôi đã và sẽ làm hết trách nhiệm" - ông Sơn nhấn mạnh. Còn trách nhiệm đủ giấy tờ cho người dân để tiến hành xin cấp GCNQSD đất thì do các phòng chức năng tham mưu cho huyện. Thời kỳ đó không cấp cho từng hộ thì bây giờ, căn cứ theo quyết định cũ, các phòng chức năng có thể căn cứ và cấp giấy quyết định cho từng hộ.
Còn giai đoạn 2 thì cũng có nhiều vướng mắc. Đó là việc một số người dân mua bán trao đổi và đến nay khi những người mua đề nghị làm GCNQSD đất thì không thể tìm được người đứng tên trong quyết định cũ. Hay có hộ bị lệch diện tích. Thậm chí, cũng có trường hợp bị giao hụt so với kích thước đất bị thu hồi. Như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ngát. Bị thu hồi là 163m2, nhưng chỉ được giao có 161m2. Giờ nếu tiến hành làm thủ tục xin cấp "sổ đỏ", phần chênh 2m2 sẽ tính như thế nào? Theo ông Sơn, cái này không phải khó, nhưng nhùng nhằng mãi chưa xong. Quan điểm của xã là vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Với những hộ mua bán sang tên rồi, nếu yêu cầu người có tên trong quyết định họ không về được thì để sang một bên. Còn nếu hộ nào đủ điều kiện thì tiến hành làm thủ tục cấp "sổ đỏ". Thế nhưng, huyện lại không làm và yêu cầu làm tập trung, đại trà cho tất cả các hộ đó. Vậy đến bao giờ những hộ dân nhận được đất tái định cư này mới có được GCNQSD đất của mình?
Được biết, thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về việc hoàn thiện hồ sơ giao đất tái định cư ở xã Vân Côn, cũng như để giải quyết kiến nghị của các hộ dân, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đã gửi thông báo yêu cầu xã Vân Côn báo cáo kèm danh sách của các hộ được giao đất tái định cư, diện tích của từng hộ dân được giao, hồ sơ giao đất tái định cư… thế nhưng, đến ngày 5-12, trao đổi với PV Báo Hànộimới, bà Từ Thị Kim Ngọc, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết, phòng vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến các hộ tái định cư ở Vân Côn. Trong khi đó, tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban cũng thông báo chưa nắm được hồ sơ liên quan đến việc ở xã Vân Côn. Ông Cường cũng cho biết thêm, ban này được thành lập năm 2005 nên cũng không nắm được cụ thể việc giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong đợt 1 để phục vụ việc xây dựng đường Láng - Hòa Lạc.
Rõ ràng, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã Vân Côn để giải quyết việc cấp sổ đỏ cho đất tái định cư còn nhiều bất cập. Và như vậy, mong muốn lớn nhất của những người dân ở xã Vân Côn được cấp GCNQSD đất trên phần đất tái định cư đến nay vẫn phải đợi.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: