"Đi trên đường nghìn tỷ nhưng bộ mặt đô thị lại nhếch nhác"
Sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở tới đường Minh Khai (Hà Nội) xuất hiện nhiều ngôi nhà mỏng, méo, hình dạng không vuông vắn mọc lên hai bên đường. Thậm chí, nhiều ngôi nhà có diện tích vỏn vẹn chưa đầy 5m2, tạo nên bộ mặt đô thị nhếch nhác.
Một cửa hàng ở đầu Ngã Tư Sở có dạng hình nấm, với tầng 1 nhỏ hẹp, tầng 2 được xây cơi nới ra ngoài để mở rộng diện tích. Ảnh: Vũ Đức Anh.
Chia sẻ với PV Dân trí, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng TW Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới mà là “câu chuyện buồn muôn thuở ở Hà Nội”. Thực tế, Hà Nội mở đường đến đâu, là nhà siêu mỏng, siêu méo lại mọc lên đến đó.
“Tôi đi trên những con đường nghìn tỷ đồng, thấy hai bên đường đô thị nhếch nhác mà đau lòng và xấu hổ. Chúng ta đã có rất nhiều bài học ở các tuyến đường đã mở trước đó nhưng Hà Nội vẫn không chịu rút kinh nghiệm mà cứ để việc này tái diễn...”, KTS. Phạm Thanh Tùng thẳng thẳn bình luận.
Ngôi nhà tại đầu ngõ 234 Trường Chinh có hình chữ L. Thửa đất dài hẹp, nằm ở bên cạnh trước đây là cổng vào của ngôi nhà. Căn nhà này chỉ vừa một người đi vào. Ảnh: Vũ Đức Anh.
Chánh Văn phòng TW Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, việc mở đường mới không chỉ giải quyết ách tắc giao thông mà còn là một bộ phận của đường phố, làm cho bộ mặt của đô thị đẹp, khang trang và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế.
Trên thế giới, khi làm đường người ta phải lấy vào hai bên 50m – 100m để xây dựng hạ tầng đồng bộ với tuyến đường, giải quyết kiến trúc quy hoạch tuyến đường. Tuy nhiên, ở Việt Nam “chúng ta lại chỉ chăm chăm làm đường, còn bộ mặt đô thị sau khi giải phóng mặt bằng là gì, như thế nào thì chúng lại không quan tâm”.
Vì thế mới có tình trạng nhiều ngôi nhà sau khi nhường đất làm đường chỉ còn lại 3m2, cũng được trưng dụng để làm mặt bằng cho thuê.
“Thực ra, trong Luật quy hoạch đô thị từ năm 2009 cũng đã quy định rất rõ việc quy hoạch hai bên đường, lấy vào 50m để chúng ta có thể đấu thầu miếng đất đó. Những ai mua miếng đất này phải tuân theo quy hoạch chung. Số tiền thu được có thể bù vào chi phí quy hoạch, làm đường.
Cách làm này thế giới họ đã làm cả 50 năm rồi. Mảnh đất trước khi làm đường chỉ có giá là 1, nhưng khi đường làm xong có giá trị gấp cả chục lần. Tiền đấu thầu bán đất có thể đủ để xây dựng cả con đường mà lại không phải lo tình trạng nhà “mỏng, méo” làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.
Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết liệt và thực sự mong muốn làm hay không? Tôi thấy rõ ràng những người được giao nhiệm vụ quản lý đô thị chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình”, KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thắn.
Để triệt được nhà siêu mỏng, siêu méo thì việc nghiên cứu dự án không gian 2 bên đường phải có trước khi mở đường. Ảnh: Vũ Đức Anh
Triệt nhà siêu mỏng, siêu méo: Hà Nội mới chỉ đang "loanh quanh phần ngọn"?
Thực tế xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo nhiều năm qua đã được Hà Nội ban hành, đưa ra hàng loạt văn bản, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, trong khi các công trình cũ vẫn còn đang “đau đầu tìm cách xử lý chưa xong” thì một loạt các căn nhà không đủ tiêu chuẩn lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở.
Khó khăn theo lãnh đạo các quận huyện là chưa đủ kinh phí để thực hiện bởi việc thu hồi các thửa đất sau giải phóng mặt bằng đòi hỏi kinh phí rất lớn và phải bố trí được quỹ đất tái định cư. Trong khi điều này nằm ngoài tầm với của địa phương.
Thêm vào đó, việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề rất phức tạp, do giá trị đất mặt phố rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, nên họ sẽ bảo vệ đến cùng.
Trên tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở tới đường Minh Khai vừa mới mở đã xuất hiện nhiều ngôi nhà mỏng méo. Ảnh: Vũ Đức Anh
Chia sẻ với PV Dân trí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho hay, cách xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo khi đã xây dựng kiên cố, người dân đã ổn định của Hà Nội như trên rất khó khăn và chỉ mới "loanh quanh phần ngọn”.
Mấu chốt là việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà "siêu mỏng, siêu méo" không để phát sinh chứ không phải chạy theo xử lý từng trường hợp.
Để triệt được nhà siêu mỏng, siêu méo thì việc nghiên cứu dự án không gian 2 bên đường phải có trước khi mở đường.
Trong quá trình lập dự án, phát hiện những thửa đất có nguy cơ thành “siêu mỏng, siêu méo” thì thu hồi luôn, sau đó sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ cảnh quan đô thị. Ngoài ra, có những chính sách để người dân có thể hợp thửa, hợp khối những ngôi nhà không đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
“Về nguyên tắc, khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, cần tính đến các vấn đề có thể phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo". Ngoài ra, nhà nước cũng có thể đóng vai trò là "nhà đầu tư" khi đứng ra mua lại những mảnh đất, nhà ở có diện tích nhỏ theo giá thị trường, rồi gộp thửa, xây dựng lại và bán cho người dân.
Tôi cho rằng về phía cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách và cũng phải đồng hành cùng với người dân. Việc chậm giải quyết dứt điểm đã góp phần để lại cho Thủ đô bộ mặt đô thị rất lem nhem”, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: