Theo thống kê chưa đầy đủ, nhà chung cư, biệt thự và đất liền kề, văn phòng cho thuê tồn kho giá trị khoảng 1 triệu tỉ đồng, vốn vay của nó chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại, “cục máu đông” trong huyết mạch kinh tế. Vấn đề đáng lo đến nỗi, ngay trong tháng đầu năm mới, Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan đang xúm vào bàn cách hỗ trợ “phá băng” cho thị trường này.
Trước động thái “cả làng” vào cuộc nói trên, có người đặt câu hỏi: Dường như thị trường bất động sản được ưu ái thái quá, trong khi nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như xây dựng kết cấu hạ tầng cũng gặp tình trạng tương tự nhưng chưa được quan tâm đúng mức và thái độ vào cuộc nhiệt tình như thế? Ở đây, phát triển nóng biểu hiện ở chỗ đầu tư dàn trải: vốn có hạn, lại mở ra quá nhiều dự án, công trình nên không ít dự án, công trình lâm vào cảnh vốn “ăn đong” hoặc dở dang kéo dài. Về hàng tồn đọng, chính là hàng trăm dự án phải đình hoãn, dãn tiến độ khi cắt giảm đầu tư công. Thế còn nợ xấu? Đó là tình trạng nợ đọng XDCB (khoảng hơn 90 nghìn tỉ đồng) là số tiền chủ đầu tư chưa có nguồn để thanh toán cho các nhà thầu, trong đó có không ít công trình đã đưa vào khai thác. Để có vốn duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều nhà thầu phải vay ngân hàng nhiều hơn mức bình thường, nợ lương, nợ tiền bảo hiểm của công nhân...
Tuy về hiện tượng gần giống nhau, song tính chất khác xa, cho nên cần có giải pháp khắc phục hợp lý và đòi hỏi sự công bằng. Ví dụ: Sự phát triển nóng của thị trường bất động sản có động lực đầu cơ trục lợi chi phối, không ít người giàu nhanh và phần lớn đại gia phất lên từ đây. Biểu hiện rõ nhất là trong các khu đô thị mới, loại căn hộ cao cấp chiếm số lượng áp đảo (có đại biểu Quốc hội ước tính đủ đáp ứng nhu cầu hàng chục năm sau) để dễ bề thổi giá kiếm lời, còn nhà cho người thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu thật sự thì chẳng nhà đầu tư nào quan tâm. Trong khi đó, sự nôn nóng trong xây dựng kết cấu hạ tầng có phần do nhu cầu bức xúc của cuộc sống, trên phạm vi cả nước hạ tầng yếu kém đang là “điểm nghẽn” kìm hãm phát triển KT-XH...
Nói cho đến cùng, không ai phản đối chủ trương hỗ trợ thị trường bất động sản vì tính nguy cấp và tác động xấu của nó đối với toàn bộ nền kinh tế, song sẽ là không công bằng nếu các khoản “giải cứu” lại dành cho những đối tượng từng đầu cơ trục lợi và gây ra thảm họa nói trên. Mặt khác, nhiều người mong muốn sự “vào cuộc” tích cực, khẩn trương của các cấp, các ngành, có liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn thuộc nhiều lĩnh vực khác của đời sống.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: