Ế ẩm
Nhân viên của Công ty kinh doanh vật liệu xây dựng Tiến Mạnh trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội cho biết, từ sáng đến chiều chỉ có vài khách vào mua hàng lẻ để sửa chữa nhỏ. “Thời điểm từ nay đến cuối năm chủ yếu phục vụ cho sửa chữa là chính. Rất ít người xây nhà vì với một căn nhà diện tích khoảng 50 m2 cần ít nhất khoảng 6 tháng, trong khi người xây nhà rất kiêng kéo dài từ năm này sang năm sau.
Giá xi măng, sắt thép không tăng so với năm ngoái nhưng ba tháng nay chẳng bán được là bao. Năm nay móm cả năm là chắc” - nhân viên này cho biết.
Chủ một cửa hàng vật liệu trên đường Võ Thị Sáu cho biết từ hơn hai tháng nay, lượng thép bán ra của cửa hàng chỉ bằng gần 40% lượng bán của đầu năm và cuối năm ngoái. Trung bình mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được từ 2-3 tấn thép với mức giá bán lẻ từ 1,7 – 1,75 triệu đồng/tấn.
Trong tháng 6 doanh thu của mặt hàng thép của cả cửa hàng chỉ xấp xỉ hơn 200 triệu đồng. Nếu so với cuối năm 2010 lượng bán ra hiện nay chưa bằng 70%.
Chị Hà, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thắng Hà trên đường Kim Ngưu cũng cho biết lượng khách giảm đáng kể trong những tháng qua. Giá gạch chỉ tăng một đợt trong tháng Năm rồi giữ nguyên đến nay. Cát, sỏi, xi măng, thép không tăng, giá bán lẻ chúng tôi lấy lãi rất thấp nhưng cũng không có người mua.
Để tiết kiệm chi phí, tránh bị tồn kho, các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng áp dụng phương thức tiêu thụ đến đâu nhập hàng đến đó. “Lãi suất cao thế này nếu ôm vào mà không giải phóng kịp thì lỗ to. Thà ăn ít nhưng chắc còn hơn”- Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Minh Khai, cho biết.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, ngay cả cửa hàng vật liệu xây dựng cũng bị lỗ hoặc phải cầm cự do ế hàng. Ảnh:Văn Việt.
Tồn kho lớn
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn chỉ đạt 560 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch năm. Nguyên nhân do thị trường bất động sản chững lại gần như hoàn toàn. Đây thật sự là một năm khó khăn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Chí Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), cho biết tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép đang gặp rất nhiều khó khăn. Lượng thép bán ra giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tiêu thụ giảm mạnh khiến lượng thép tồn kho của doanh nghiệp lên rất cao, tới hơn 420 nghìn tấn, trong khi bình quân lượng tồn kho chấp nhận được chỉ khoảng 250 nghìn tấn.
Theo ông Cường, hiện giá thép phổ biến ở mức 15,2 – 16 triệu đồng/tấn tùy chủng loại. Lãi suất cao, thép tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán hàng thấp hơn giá thành khoảng 200 nghìn đồng/tấn.
“Thép tồn kho tăng, vốn thiếu khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép bị lỗ. Một số doanh nghiệp phải giảm sản xuất. Nếu tình hình này kéo dài đến quý 4 thì rất khó nói điều gì sẽ xảy ra với các doanh nghiệp”- ông Cường nói.
Thị trường vật liệu xây dựng mất mùa cũng gây khó khăn khá lớn cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xi măng Việt Nam (VICEM), với tình hình hiện nay dự báo lượng xi măng tiêu thụ cả năm 2011 chỉ khoảng 50 triệu tấn, giảm khoảng 4 triệu tấn so với năm ngoái.
Theo ông Chung, hầu hết các chi phí cho vật tư nhiên liệu đầu vào đã tăng ở mức 2 con số so với năm ngoái. Giá than nguyên liệu dùng sản xuất xi măng tăng 41%, chi phí giá điện tăng hơn 15%, vỏ bao tăng khoảng 25%, lãi suất vốn vay cao, khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn, trong khi hàng tồn kho cao, sức tiêu thụ rất chậm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: