Theo nội dung Quyết định của UBND TP.HCM về quy hoạch và phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của thành phố đến năm 2020 mới ban hành vào cuối tháng 5 vừa qua, đến năm 2015, TP.HCM hoàn tất việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn môi trường.
Tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường
Để làm được việc nêu trên, TP.HCM đang hướng đến sử dụng các loại vật liệu xây dựng không nung, ít sử dụng tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường… tận dụng chất thải tái chế để làm vật liệu.
|
VLXD không nung, nhẹ vẫn chưa được phổ biến. (Ảnh: Thái Ngọc) |
TP.HCM cũng sẽ chấm dứt việc khai thác đất sét để sản xuất gạch nung, ngói nung… không cho đầu tư các cơ sở sản xuất loại này. Thay vào đó, doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào các cơ sở sản xuất gạch, ngói không nung, tái chế; phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, cháy chậm, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện…
Đa dạng các loại vật liệu lợp từ kim loại, t composite, hợp kim nhôm… được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Riêng với các loại vật liệu trang trí, ốp lát kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đá ốp lát nhân tạo cao cấp, kính an toàn…
Vật liệu “xanh” nhưng phải rẻ
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng: người dân, doanh nghiệp đã quen sử dụng gạch, ngói nung chứ chưa chú trọng phát triển VLXD không nung. Nếu từ bỏ được thói quen này trong các công trình xây dựng sẽ tiết kiệm được tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải… mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội. Trong thực tế, VLXD không nung ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% thị trường.
VLXD không nung chưa phổ biến chính là do giá thành còn quá cao so với vật liệu truyền thống. Theo ông Đàm Thanh Tùng, Công ty sản xuất gạch, bê tông nhẹ Vương Hải, chính do giá xi măng cao gần gấp đôi so với trước đây đã đẩy giá VLXD không nung lên cao. Mặc dù vậy, nếu tính tổng chi phí cho cả công trình thì VLXD không nung có thể sẽ thấp hơn, nhờ ít tốn vật liệu, thời gian thi công nhanh, nhân công thấp…
Gạch nung hiện nay có giá chỉ bằng nửa gạch không nung. “Muốn đưa chủ trương phát triển VLXD không nung vào thực tế thì giá loại vật liệu này phải thấp. Muốn vậy, các nhà khoa học phải hợp tác cùng với doanh nghiệp giải quyết vấn đề này...”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành nêu ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, chủ nhiệm bộ môn Vật liệu xây dựng, khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, VLXD không nung vẫn chưa phổ biến được do ngành xây dựng đang định giá tài nguyên quá rẻ. Thiếu sự đồng bộ từ vật liệu, cấu kiện, công nhân, phương pháp thi công… và chưa có tiêu chuẩn cho loại vật liệu này.
Trước mắt, các công trình có vốn đầu tư của nhà nước cần áp dụng VLXD không nung như mô hình mẫu để tiếp thị cho xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: